‘Cuộc đua’ tàu chiến hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc

Tàu tuần dương Type 055 của Trung Quốc và tàu khu trục Zumwalt của Mỹ thể hiện sức mạnh hải quân ngày càng tăng của cả hai nước.

Theo tờ Thời báo châu Á (asiatimes.com) mới đây, trong một động thái gợi nhớ đến cuộc chạy đua vũ trang của hải quân Anh-Đức trước Thế chiến thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ đang tăng cường thế mạnh bằng cách chế tạo các tàu chiến mặt nước lớn, hiện đại hơn.

Trung Quốc vừa thông báo rằng tàu tuần dương Type 055 Lhasa thứ hai của họ đã sẵn sàng chiến đấu sau một loạt các cuộc thử nghiệm ở Hoàng Hải. Lhasa gần đây đã kết thúc tám ngày huấn luyện mô phỏng, trong đó có bắn tên lửa, tác chiến chống tàu ngầm, chống lại các mối đe dọa tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), tìm kiếm và cứu hộ.

Chú thích ảnh
Tàu chiến lớp 055 của Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đang đóng thêm hai tàu tuần dương Kiểu 055, được lắp ráp tại một ụ tàu lớn ở Đại Liên. Trung Quốc có kế hoạch đưa tổng cộng 8 chiếc Type 055 vào biên chế trong 4 năm tới. Hiện tại, Trung Quốc có ba tàu tuần dương Type 055 đang hoạt động, với chiếc đầu tiên thuộc lớp Nanchang được đưa vào hoạt động năm 2020, chiếc Lhasa và Đại Liên được đưa vào hoạt động năm 2021.

Tàu tuần dương Type 055 là tàu chiến mặt nước lớn nhất hiện nay, lớn hơn 25% so với lớp Ticonderoga của Mỹ. Loại tàu này có thiết kế tàng hình, trang bị hệ thống radar và sonar tiên tiến, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng đa năng (VLS), có thể mang tên lửa chống hạm, đối không hoặc chống ngầm.

Loại tàu trên còn có khẩu pháo chính cỡ nòng 130 mm và hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS). Các tàu này dự kiến sẽ sớm được trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm và trở thành lực lượng chủ chốt trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Tàu tuần dương trên cũng có thể chứa hai máy bay trực thăng hạng trung.

Trong khi đó, Mỹ hiện đang phát triển khu trục hạm lớp Zumwalt thứ ba và cuối cùng USS Lyndon B. Johnson (DDG-1002). Dự kiến tàu chiến này được bàn giao vào năm 2024. 

Tàu khu trục lớp Zumwalt có một số tính năng tiên tiến, đặc biệt là thiết kế tàng hình có phần mạn cong vào trên đường mép nước để giảm tiết diện trên màn hình radar phát hiện. Đây là lớp tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ sử dụng động cơ đẩy hoàn toàn bằng điện để giảm tiếng ồn, độ rung nhằm hạn chế bị phát hiện và cung cấp thêm năng lượng cho các hệ thống vũ khí của mình.

Lớp tàu này được tối ưu hóa cho tác chiến ven biển và tác chiến mạng, với các hệ thống VLS được thiết kế để phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công trên bộ và tên lửa SM-3 để phòng không. Nó có hệ thống pháo tiên tiến 155 mm có khả năng bắn đạn dẫn đường để hỗ trợ hỏa lực hải quân và pháo 57 mm BAE 57 mm Mk110 trong vai trò CIWS.

Chú thích ảnh
Tàu chiến lớp Zumwalt của Mỹ. Ảnh: U.S. Navy

Tàu lớp Zumwalt cũng có thể chứa hai trực thăng chống tàu ngầm hoặc một trực thăng và ba phương tiện bay không người lái cất và hạ cánh thẳng đứng (VTUAV).

Hải quân Mỹ ban đầu dự định mua từ 8 đến 12 tàu khu trục Zumwalt nhưng chi phí vượt mức khiến Mỹ chỉ đặt hàng 3 tàu và thay vào đó tập trung vào việc đóng các tàu khu trục Arleigh Burke nâng cấp hơn.

Ngoài lớp Zumwalt, Mỹ đang chế tạo khinh hạm lớp Constellation phục vụ tác chiến ven biển (LCS) và gần đây đã công bố thiết kế Khu trục hạm thế hệ mới (thuộc chương trình tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ mới, DDG), nhằm thay thế các tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga, được trang bị công nghệ của lớp Zumwalt.

Các tàu lớp Type 055 của Trung Quốc và Zumwalt của Mỹ được chế tạo với các mục đích khác nhau. Type 055 được thiết kế để tạo thành một phần không thể thiếu trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, cung cấp khả năng phòng thủ khu vực cùng với các tàu khu trục Type 52C và Type 52D trước đó. 

Tuy nhiên, điều có thể khiến Type 055 khác biệt so với những lớp tàu trước đó là nó có thể hoạt động như một tàu chỉ huy của các nhóm tác chiến trên mặt nước và kích thước lớn hơn của nó trong tương lai sẽ có thể mang tên lửa siêu thanh để tấn công các tàu sân bay Mỹ.  

Ngược lại, lớp Zumwalt được thiết kế để hỗ trợ các cuộc đổ bộ với khả năng tác chiến bằng súng hải quân và tấn công đất liền như các thiết giáp hạm trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, với việc chỉ có 3 tàu thuộc lớp này, thiếu khả năng hoàn thành các nhiệm vụ và chi phí vượt mức, lớp Zumwalt có thể chỉ trở thành phương tiện thử nghiệm với công nghệ của nó có thể được tích hợp vào các thiết kế tàu chiến trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức
Trung Quốc phát triển robot sinh học bốn chân đồ sộ nhất thế giới 
Trung Quốc phát triển robot sinh học bốn chân đồ sộ nhất thế giới 

Giới phân tích cho biết Trung Quốc đã phát triển robot sinh học bốn chân chạy bằng điện đồ sộ nhất thế giới, làm nhiệm vụ tại nhiều địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN