Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/11, tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với những nhà lãnh đạo trong khối BRICS hãy lên tiếng vì công lý và hòa bình ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động bằng các biện pháp thiết thực để ngăn chặn xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Israel - Palestine chủ yếu chỉ là nhắc lại lập trường truyền thống ủng hộ giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967.
Mặc dù vậy, các nhà quan sát ở Trung Quốc nhấn mạnh rằng không nên nhìn cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Bắc Kinh qua lăng kính của phương Tây.
Chuyên gia Einar Tangen, thành viên cấp cao tại Viện Taihe ở Bắc Kinh nhận định: “Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trung Quốc khác với của Mỹ", đồng thời lưu ý rằng "không có anh hùng nào" trong thảm kịch đang xảy ra với người Palestine ở Gaza.
Theo chuyên gia trên, Trung Quốc đã chọn đứng về phía những người đang bị tổn thương và đau khổ, lưu ý rằng mục đích của Bắc Kinh là tìm cách chấm dứt xung đột thông qua đàm phán.
Chuyên gia Einar giải thích, thay vì đứng về một phía, Bắc Kinh đã lên án hành động của cả hai bên, một chính sách mà ông cho rằng bắt nguồn từ sự thất bại của hai bên trong việc thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Về phần mình, ông Haiyun Ma, học giả người Mỹ gốc Hoa, ủng hộ quan điểm của chuyên gia Einar và cho biết Bắc Kinh duy trì lập trường cân bằng trong những vấn đề như vậy.
Chuyên gia Ma, giảng viên tại Đại học bang Frostburg, nêu quan điểm: “Lập trường của Trung Quốc là duy trì như một cường quốc trung lập. Điều này phù hợp với chính sách đối ngoại tổng thể của Bắc Kinh đối với các cuộc xung đột”.
Ông nói thêm rằng quan điểm của Trung Quốc là khó thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang được cải thiện.
"Các giải pháp bên ngoài sẽ không hiệu quả"
Ông Einar tái khẳng định những gì Chủ tịch Trung Quốc đã nói với các lãnh đạo của khối BRICS vào tuần trước, cụ thể là bất kỳ giải pháp nào đạt được cũng phải có sự tham gia của những bên liên quan trực tiếp.
Chuyên gia Einar cho rằng các bên khác không thể áp đặt điều đó và nhấn mạnh không thể có hy vọng hòa bình cho đến khi có thỏa thuận nhận được sự đồng thuận giữa hai bên.
Ví dụ, Washington đã nhiều lần tìm cách thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình, nhưng điều đó không ngăn được những thảm kịch đang diễn ra.
Đề cập đến bài phát biểu mới nhất của ông Tập Cận Bình, chuyên gia Einar cho biết điều đó cho thấy Bắc Kinh muốn tất cả các bên đạt được sự đồng thuận về giải pháp hai nhà nước.
Trong khi đó, giảng viên Ma cho rằng Trung Quốc chỉ nhắc lại quan điểm của mình đơn giản vì Bắc Kinh không muốn đứng về một bên nào.
Theo ông Ma, Trung Quốc không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ với Israel vì điều đó sẽ làm tổn hại đến quan hệ Mỹ - Trung, do Israel có sự vận động hành lang mạnh mẽ ở Mỹ.
“Trung Quốc cần sự vận động hành lang của Israel để cải thiện quan hệ với Mỹ, giống như Saudi Arabia và UAE”, chuyên gia Ma chia sẻ.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Trung Đông Haydar Oruc sống tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với Anadolu rằng Trung Quốc luôn duy trì chính sách cân bằng về vấn đề Israel - Palestine, nhưng tình hình đã thay đổi sau vụ tấn công ngày 7/10.
Ông nói thêm rằng vì chính sách khu vực của Trung Quốc dựa trên hòa bình, ổn định và hợp tác nên khó có khả năng duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực trong môi trường xung đột hiện nay.
Không giống như Trung Quốc, ông Oruc cho biết chính sách của Mỹ ở Trung Đông có đặc điểm là xung đột và căng thẳng. Ông nói: “Do đó, các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đảm bảo tính liên tục trong chính sách của Mỹ ở khu vực”.
“Vì vậy, Trung Quốc cần dùng mọi biện pháp để đưa tình hình trong khu vực trở lại như trước ngày 7/10. Về vấn đề này, sáng kiến do ủy ban các nước Arab và Hồi giáo đưa ra dường như đặc biệt coi trọng Trung Quốc”, chuyên gia về Trung Đông trên nói.
Theo ông, việc tạm dừng bắn vì lý do nhân đạo ở Gaza do Qatar làm trung gian có thể là cơ hội để Trung Quốc can dự mạnh mẽ hơn vào quá trình này.
Đến lượt mình, chuyên gia Einar nhấn mạnh lĩnh vực quan trọng chính đối với Trung Quốc là lợi ích kinh tế của nước này ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. “Bắc Kinh muốn hòa bình và thương mại. Khoảng 60% lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh đến từ các nước Trung Đông và đây còn là một thị trường xuất khẩu quan trọng”, ông Einar kết luận.