Chuyên gia Mỹ: Phương Tây đã sai lầm tại Ukraine - Kỳ 2

Mục đích cuối cùng của Phương Tây hòng tách Kiev khỏi ảnh hưởng của Moskva là nhằm truyền bá các giá trị Tây phương và thúc đẩy dân chủ tại Ukraine, cũng như tại các nước hậu Xô Viết khác. Đi sau kế hoạch này là hoạt động tài trợ cho các cá nhân và tổ chức thân Phương Tây qua gói chính sách ba điểm.

Hủy hoại Ukraine – một kịch bản mà Mỹ hay phương Tây nói chung sẽ đều là kẻ chiến bại?


Đêm trước của khủng hoảng


Bà Victoria Nuland, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Âu-Á tháng 12/2013 ước tính rằng kể từ năm 1991 Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để giúp Ukraine đạt được “tương lai mà nước này đáng được nhận”.

Như một phần trong nỗ lực chung đó, chính phủ Mỹ cũng đã cấp kinh phí cho Quỹ quốc gia vì dân chủ (NED), một quỹ phi lợi nhuận đã cung cấp tài chính cho hơn 60 dự án nhằm thúc đẩy xã hội dân chủ tại Ukraine. Sau khi ông Yanukovych giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 2/2010, NED quyết định củng cố các mục tiêu của mình và tăng cường các nỗ lực nhằm ủng hộ phe đối lập và tăng tiềm lực cho các tổ chức dân chủ tại quốc gia này.

Khi giới lãnh đạo Nga nhìn vào tình hình Ukraine, họ lo ngại rằng Nga sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp và quan ngại này không phải là không có cơ sở.

Hồi tháng 9/2013, viết trên tờ Washington Post, Chủ tịch NED Carl Gershman nhận định: “Sự lựa chọn của Ukraine hội nhập châu Âu sẽ thúc đẩy sự kết thúc của hệ tư tưởng đế quốc Nga mà ông Putin đại diện. Nga cũng phải đối mặt với lựa chọn này và ông Putin có thể sẽ phải nếm chịu thất bại không chỉ ở quốc gia bên kia bên giới mà tại chính trong nội địa Nga”.

Chính sách ba điểm nguy hiểm của Phương Tây

Gói chính sách ba điểm của Phương Tây, gồm mở rộng NATO, bành trướng EU và thúc đẩy dân chủ, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang chờ bùng lên. Tia lửa mồi đã đến vào tháng 11/2013 khi ông Yanukovych bác bỏ thỏa thuận kinh tế quan trọng đã thương thảo với EU và quyết định chấp nhận 15 tỷ USD trợ giúp từ Nga.

Quyết định đã làm gia tăng các hoạt động chống chính phủ và leo thang trong ba tháng liên tiếp khiến hàng trăm người biểu tình thiệt mạng. Ngay lập tức, các phái viên Phương Tây hối hả bay tới Kiev để giải quyết khủng hoảng.

Ngày 21/2/2014, chính phủ Ukraine và phe đối lập đạt được một thỏa thuận cho phép Tổng thống Yanukovych tiếp tục nắm quyền cho tới khi tổ chức cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị phá vỡ ngay sau đó, ông Yanukovych phải chạy trốn sang Nga.

Nga phản ứng thế nào đối với tình huống này đến nay đều đã rõ. Trong suốt chiều dài lịch sử chống đỡ các cuộc xâm lấn của Hoàng đế Pháp Napoleon hay Đức quốc xã, Ukraine đã trở thành vùng đệm chiến lược cực kỳ quan trọng với Nga. Không một nhà lãnh đạo nào của Nga cho phép liên minh quân sự đối địch tiến vào Ukraine. Cũng không một nhà lãnh đạo Nga nào có thể ngồi im khi nước ngoài giúp thành lập một chính phủ Ukraine nhất quyết đi theo con đường hội nhập với Phương Tây.

Mỹ và đồng minh cần từ bỏ kế hoạch phương Tây hóa Ukraine và chuyển sang mục tiêu đưa quốc gia này trở thành một vùng đệm trung lập giữa NATO và Nga.


Điều đó cũng giống như chính Mỹ sẽ không cho phép cho các cường quốc phương xa triển khai lực lượng quân sự ở Tây bán cầu và càng không thể chấp nhận điều đó xảy ra ngay sát biên giới. Hãy thử tưởng tượng Mỹ sẽ tức giận thế nào nếu Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự và thử kết nạp Canada, Mexico vào liên minh này.

Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia Mỹ về Nga George Kennan năm 1998 đã dự đoán việc mở rộng NATO sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó “sẽ cho chúng ta biết người Nga là như thế nào”.

Vậy giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay là gì? Theo nhà phân tích Mearsheimer, có một lối thoát cho vấn đề Ukraine song đòi hỏi Phương Tây phải nghĩ về quốc gia này theo một cách hoàn toàn mới. Mỹ và đồng minh cần từ bỏ kế hoạch phương tây hóa Ukraine và chuyển sang mục tiêu đưa quốc gia này trở thành một vùng đệm trung lập giữa NATO và Nga, tương tự như vị trí của Áo trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và đồng minh châu Âu đang đứng trước một lựa chọn cho vấn đề Ukraine. Họ có thể tiếp tục chính sách hiện nay, đó là cổ vũ cho các hoạt động thù địch chống Nga và trong quá trình đó đồng thời hủy hoại Ukraine – một kịch bản mà mọi bên sẽ đều là kẻ chiến bại.

Hoặc là họ khởi động lại và hợp tác để tạo dựng một Ukraine thịnh vượng và trung lập, một quốc gia không là mối đe dọa cho Nga và cho phép Phương Tây khôi phục quan hệ với Moskva. Đó chính là cách tiếp cận mà tất cả các bên đều sẽ chiến thắng và là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay.


Thái Nguyễn (Theo tạp chí Quan hệ đối ngoại)
Chuyên gia Mỹ: Phương Tây đã sai lầm tại Ukraine - Kì I
Chuyên gia Mỹ: Phương Tây đã sai lầm tại Ukraine - Kì I

Washington và đồng minh Phương Tây là bên phải chịu trách nhiệm chính khi đã giành nhiều thập niên để tiến về phía Đông, tấn công vào khu vực lợi ích tự nhiên của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN