Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở Việt Nam được tổ chức ngày 23/5 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động sâu sắc, đặc biệt là sự bùng phát của các làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, đề cập tới cơ cấu, thành phần đại biểu trong Quốc hội Việt Nam, chuyên gia Supalak Ganjanakhundee, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đánh giá Việt Nam là một điểm sáng về sự đa dạng, cân bằng về giới, cộng đồng các dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính sách này sẽ là động lực để tập hợp sức mạnh từ nhiều lĩnh vực phục vụ cho công tác điều hành đất nước. Công tác hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên theo 3 vòng 5 bước mà Việt Nam áp dụng là phương pháp hiệu quả để lựa chọn được các ứng cử viên phù hợp, phục vụ đường lối, chính sách phát triển chung của đất nước.
Theo chuyên gia này, Việt Nam là một đất nước năng động với dân số trẻ và năng động, khao khát hướng tới một tương lai tốt đẹp. Vì vậy, cuộc bầu cử sắp tới sẽ là dịp để người dân bỏ phiếu lựa chọn các đại biểu ưu tú đưa đất nước đi đúng con đường đã lựa chọn.
Đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử của Việt Nam, chuyên gia ISEAS cho rằng mặc dù đang phải đối mặt với các thách thức từ đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử. Điều này thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm chèo lái đất nước qua “cơn nhiễu động” để đạt được mục tiêu cuối cùng trở thành đất nước tiên tiến, phát triển giữa bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực và thế giới không ngừng chuyển động.
Theo chuyên gia Supalak Ganjanakhundee, việc tổ chức bầu cử giữa đại dịch là điều bình thường. Một số quốc gia ASEAN như Singapore đã tổ chức an toàn, thành công cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Điều quan trọng là chính phủ các nước cần phải đưa ra các biện pháp phòng dịch hiệu quả như đảm bảo giãn cách giữa các cử tri tại các điểm bỏ phiếu.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Balaz Szantos, Bộ môn Khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhận định đây thực sự là một năm khó khăn để tổ chức một kỳ bầu cử ở tầm quốc gia. Một mặt, khu vực Đông Nam Á đang tiếp tục phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, với các làn sóng lây nhiễm mới, do đó đòi hỏi giới chức phải hết sức thận trọng khi xem xét tổ chức các sự kiện lớn như một cuộc tổng tuyển cử.
Đồng thời, cùng với những tác động mang tính đứt gẫy của dịch bệnh, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định trong hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, Tiến sĩ Balaz Szantos đánh giá: “Bầu cử quốc hội là một công việc hệ trọng của một quốc gia, liên quan trực tiếp đến sự vận hành bình thường của cả hệ thống, do đó rất khó để trì hoãn”, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia hoàn toàn có thể tổ chức thành công những sự kiện trọng đại trong bối cảnh đại dịch nếu có các phương án đảm bảo an toàn được tính toán kỹ lưỡng.