Giảm gặp trực tiếp, tăng tiếp xúc cử tri trực tuyến
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hình thức vận động bầu cử được quy định tại Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, theo đó việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Ở các kỳ bầu cử trước đây, các hội nghị tiếp xúc cử tri đều diễn ra dưới hình thức trực tiếp, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức. Tại các hội nghị này, đông đảo cử tri hoặc đại diện cử tri tham dự, lắng nghe chương trình hành động và có những trao đổi trực diện với các ứng cử viên. Các ứng cử viên phải di chuyển đến nhiều địa điểm để tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, ở kỳ bầu cử lần này, ngay khi bắt đầu giai đoạn vận động bầu cử, cả nước thêm một lần nữa phải gồng mình ứng phó với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức bầu cử địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri linh hoạt, sáng tạo vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật bầu cử.
Theo đó, những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến. Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn, phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri. Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức bầu cử, hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến được áp dụng.
Thực tế, các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện theo hình thức này đã phát huy hiệu quả, có nhiều ý nghĩa thiết thực cho cử tri, người ứng cử và cả hệ thống chính quyền cơ sở, chứ không chỉ đơn thuần là nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số hơn 200 hội nghị gặp gỡ cử tri, vận động bầu cử dành cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026, có trên 10 hội nghị được tổ chức trực tuyến. Việc tổ chức trực tuyến vừa để đảm bảo yêu cầu phòng dịch vừa để đảm bảo số lượng cử tri tiếp xúc các ứng viên, thay vì tổ chức ba cuộc tiếp xúc, nay chỉ cần tổ chức một cuộc trực tuyến. Ví dụ như Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Quận 7 đã có sự tham gia của hơn 1.300 cử tri tại 12 điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu tại các phường của quận. Các cử tri có điều kiện tham gia tiếp xúc các ứng cử viên, lắng nghe chương trình hành động của các ứng viên và gửi gắm nguyện vọng đến với các ứng cử viên như mọi cuộc tiếp xúc trực tiếp.
Ông Vũ Văn Thanh, cử tri phường Tân Quy, Quận 7, cho rằng với hệ thống kỹ thuật đảm bảo, các thông tin đến với cử tri tại các điểm cầu rất đầy đủ. Cử tri vẫn có cơ hội để thể hiện tâm tư, mong muốn của mình với các ứng viên, tìm hiểu về những ứng cử viên để có thể đưa ra những lựa chọn chính xác nhất trong Ngày Bầu cử.
Tiếp cận sớm, đầy đủ chương trình hành động của ứng cử viên
Thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tận dụng tối đa tiện ích của mạng Internet, truyền thông xã hội, trong đợt vận động bầu cử vừa qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc truyền tải thông tin, chương trình hành động của các ứng cử viên đến với cử tri qua website, các fanpage trên mạng xã hội. Nhờ đó, cử tri dù ngồi ở nhà hay không có điều kiện tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp, vẫn có thể có được một cái nhìn toàn diện về các ứng cử viên ở đơn vị bầu cử của mình, thậm chí có thể so sánh với các ứng cử viên ở những đơn vị bầu cử khác.
Tại Đà Nẵng, một trong những địa phương bùng phát dịch COVID-19 trong thời điểm vận động bầu cử, các hoạt động tiếp xúc cử tri, giới thiệu lý lịch trích ngang, chương trình hành động của các ứng cử viên được Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng phát sóng, giới thiệu, dẫn lại rộng rãi trên website, ở cả các fanpage trên mạng xã hội để tuyên truyền trên nền tảng Internet. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị các cấp từ thành phố, quận, huyện cho đến xã, phường ở thành phố cũng đăng tải chương trình hành động, sơ yếu lý lịch trích ngang của các ứng viên, các hướng dẫn khai báo y tế điện tử, hình thức bầu cử... trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, thường trực Hội đồng Bầu cử thành phố cho biết, Đà Nẵng đã chủ động ứng dụng nền tảng số để tuyên truyền, vận động bầu cử. Đây là phương thức mới, nhưng hiệu quả cao, vừa đảm bảo công tác giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, nhưng đồng thời cũng hợp với tình hình và xu thế thời đại, nhất là khi đã hướng đến chính quyền điện tử, nhà nước số. Vì vậy, hình thức tuyên truyền, vận động này sẽ được phát huy trong tương lai, kể cả khi không còn dịch bệnh.
Khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn từ cử tri
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trần Thanh Mẫn, dân trí của cử tri, nhân dân ngày càng được nâng lên, những gửi gắm, mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn, do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn. Bên cạnh sự gần gũi, giản dị, chân thành, các ứng cử viên cần đưa ra chương trình hành động cụ thể, thể hiện rõ cam kết, trách nhiệm của mình với cử tri khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Là người đã có kinh nghiệm trải qua một khóa làm đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, song những ngày tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của bà Phan Thanh Yên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Bình vẫn mang đến những áp lực không nhỏ, thậm chí còn nặng nề hơn so với lần đầu tiên. “Phải nói rằng rất áp lực. Trong 5 năm qua, người dân đã biết được những hành động và cam kết lúc vận động bầu cử của mình có thực hiện được hay không. Do đó, trong lần tái ứng cử này, tôi đứng trước áp lực phải làm mới bản thân mình, bằng những cam kết, chương trình hành động có tính đột phá nhưng vẫn phải bám sát thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là phụ nữ trong huyện”, bà Yên chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 1 của thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội, cử tri quận Ba Đình đề nghị: Nếu các ứng viên được nhân dân khu vực tín nhiệm thì yêu cầu trước hết phải thực hiện nghiêm túc chương trình hành động của mình; là người đại biểu thực sự của nhân dân; mọi hoạt động phải thực sự hướng về lợi ích chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia.
Trong quy trình của công tác bầu cử, vận động bầu cử được xem là khâu cực kỳ quan trọng, cuộc sát hạch cuối cùng. Dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song với quyết tâm của hệ thống chính trị các cấp, địa phương, sự đồng lòng ủng hộ của cử tri cả nước, chỉ đạo kịp thời của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội nghị tiếp xúc cử tri dưới các hình thức trực tiếp hay kết hợp trực tuyến đã diễn ra suôn sẻ, thành công, tạo nên động lực, niềm tin vững chắc để các tầng lớp nhân dân trong cả nước hồ hởi hướng đến Ngày hội non sông 23/5/2021.