Chuyến đi tái định hình chiến lược an ninh tại Đông Bắc Á

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa tháng 6/2018 tại Singapore đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, đó là tiến trình định hình lại chiến lược an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Nhận định trên của nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã được chứng minh khi chưa đầy hai tuần sau sự kiện lịch sử này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến công du Đông Bắc Á từ ngày 26-30/6 tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (phải) ở Bắc Kinh ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc ngăn chặn năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vốn là một trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc phòng của liên minh quân sự ba nước Mỹ - Nhật - Hàn.  Chính vì vậy, việc Triều Tiên đồng ý từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân là một yếu tố quyết định để thay đổi định hướng quốc phòng của liên minh quân sự này.

Quan hệ Mỹ và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo chiều hướng hòa dịu. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định ngừng cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn quy mô lớn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, đồng thời chỉ trích cuộc tập trận này là “tốn kém” và mang tính “khiêu khích”, đã thể hiện quan điểm của chính phủ Mỹ: Đó là tạo dựng một môi trường tin cậy để khuyến khích Triều Tiên nhanh chóng thực hiện cam kết về một tiến trình phi hạt nhân hóa “toàn diện, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”.

Trong xu thế này, việc phối hợp với Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên, đồng thời là một đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên, chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một thời gian ngắn thực hiên liên tiếp ba chuyến thăm Trung Quốc đã chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia này.

Đó chính là lý do hàng đầu để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên có chuyến công du Trung Quốc. Tuyên bố của cả hai bên sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho thấy hai nước đều muốn hướng tới “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường sự hợp tác và quản trị các rủi ro để đưa quan hệ quân sự giữa hai nước trở thành một yếu tố quan trọng cho sự ổn định trong quan hệ song phương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera trong cuộc gặp tại Tokyo ngày 29/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thể hiện sự chuyển hướng của Washington đối với Bắc Kinh, từ “đối thủ cạnh tranh chiến lược” sang tìm kiếm khả năng hợp tác nhằm mục tiêu “phát triển quan hệ quân sự song phương Mỹ - Trung theo cách thức ổn định, vì lợi ích chung của hai nước”.

Đối với hai đồng minh an ninh truyền thống tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, chuyến thăm của ông Mattis được đánh giá là nhằm khẳng định lại rằng các cam kết an ninh mà Mỹ dành cho hai quốc gia này không thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Việc Washington tuyên bố ngừng cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc bất ngờ và lo ngại tính bền vững trong các cam kết an ninh của Mỹ, đẩy hai nước này rơi vào tình thế bất lợi trước Triều Tiên và Trung Quốc. Trước sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có chung quan ngại về việc Mỹ trong khi chỉ chú trọng đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ bỏ qua sự nguy hiểm của tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, loại vũ khí mà Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong “tầm ngắm”.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mối quan ngại về sự suy yếu của liên minh quân sự ba bên càng gia tăng khi ông Trump đột ngột thông báo ngừng tập trận chung Mỹ - Hàn, động thái mà Seoul và Tokyo đánh giá có thể là tiền đề cho việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bởi vấn đề này đã có lần được ông Trump đề cập.

Sự quan ngại này có nguy cơ làm suy giảm sự tin cậy mà hai đồng minh truyền thống tại Đông Bắc Á dành cho Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín và vị thế quốc phòng của Washington tại khu vực này nói riêng và châu Á - Thái  Bình Dương nói chung.

Chính vì vậy, với tư cách là người đứng đầu lực lượng quân đội Mỹ, ông Mattis đã trấn an hai đồng minh bằng sự khẳng định rằng Washington không thay đổi các cam kết an ninh của Mỹ và tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là các đồng minh tin cậy của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Chuyến công du thứ hai đến Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  trong vòng một tháng qua cho thấy sự xoay chuyển một cách nhanh chóng tình hình an ninh tại khu vực này. Thực tế cho thấy, các biện pháp ngoại giao đang đóng vai trò chủ đạo tại Đông Bắc Á và đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực theo xu thế tạo dựng hòa bình trong khu vực.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Hàn-Mỹ-Nhật thảo luận về hợp tác quân sự ở Đông Bắc Á
Hàn-Mỹ-Nhật thảo luận về hợp tác quân sự ở Đông Bắc Á

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 30/5 thông báo các quan chức quân đội hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc họp tại trụ sở Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) ở Hawaii để bàn về các nỗ lực chung nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN