Biến chuyển tích cực từ Đông Bắc Á

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 25-28/3 đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên ông Kim Jong-un gặp mặt dưới cương vị người đứng đầu nhà nước Triều Tiên.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm của ông Kim Jong-un, nêu rõ đây là minh chứng cho thấy Triều Tiên đánh giá cao tầm quan trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết vì “tình đồng chí lẫn trách nhiệm” ông thấy rằng cần phải trực tiếp thông báo tình hình bán đảo Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc. Ông Kim Jong-un khẳng định tình hình bán đảo Triều Tiên đang diễn biến tốt bởi Bình Nhưỡng đã chủ động giảm căng thẳng với đề xuất đàm phán hòa bình, xác nhận rằng ông sẵn sàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời nêu rõ vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm kiến tạo hòa bình.

Tiếp theo những động thái "chìa cành ô liu" bất ngờ của Bình Nhưỡng gần đây, việc ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh là một bước ngoặt bất ngờ song có thể dự đoán trước, bởi không thể phủ nhận ảnh hưởng rất đáng kể của Trung Quốc với Triều Tiên, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế, khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 92,5% ngoại thương của nước này trong năm 2016. Theo tạp chí Time, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc ngay trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần lượt diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới, có thể "hâm nóng" mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn được cho là lạnh nhạt thời gian qua, nhất là sau khi  Trung Quốc liên tục ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Trung Quốc đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng bất chấp những tin đồn trái ngược, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn là những đồng minh thân cận của nhau và ông Kim Jong-un muốn có được sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trước các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều sắp tới. Bên cạnh đó, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên công du nước ngoài và gặp Chủ tịch Trung Quốc, dường như cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang muốn "cởi mở" hơn và sẵn sàng cho đối thoại. Đây có thể coi là một chuyển động tích cực nữa sau một loạt những diễn biến hòa giải trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua.

Theo Giáo sư Bates Gill thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương (Đại học quốc gia Australia), chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un rất muốn có sự sát cánh của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-invà Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giáo sư Gill nhận định việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ rằng Trung Quốc sẵn sàng dành sự ủng hộ, ít nhất là về mặt chính trị, cho Triều Tiên.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Chu Thần Minh cho rằng quyết định chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm bác bỏ các đồn đoán cho rằng Triều Tiên vì muốn "xích lại" với Mỹ mà "bỏ rơi" Bắc Kinh. Ông Chu Thần Minh khẳng định “chuyến thăm này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và các cuộc tiếp xúc cấp cao", sau khi Trung Quốc buộc phải ủng hộ và thực hiện những biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên liên quan các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của nước này. Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn lợi dụng tình hình Mỹ-Trung đang gia tăng căng thẳng trong thương mại để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên phụ thuộc tới 90% vào thị trường Trung Quốc, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Do đó, đối với Triều Tiên hiện nay, việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc đang trở lên cấp bách, thậm chí hơn cả việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên trường Đại học Montreal cũng đồng tình rằng việc tiến hành cuộc gặp Trung-Triều ngay trước thềm thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều sẽ đem lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Theo ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã nhân dịp này yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, hoặc thậm chí đề xuất Bắc Kinh ủng hộ một số yêu cầu mà Bình Nhưỡng sắp đưa ra với Mỹ (như giảm bớt số binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc). Được Trung Quốc ủng hộ, những đòi hỏi này chắc chắn sẽ có “sức nặng” hơn với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên được coi là "lời khẳng định" rằng Bắc Kinh vẫn có vai trò rất lớn trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc vốn được coi là nhà trung gian có vai trò chủ chốt trên bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù vòng đàm phán này đã bị đình trệ từ lâu. Kể từ khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn can dự khá tích cực vào việc tìm hướng giải quyết thông qua việc đề xuất sáng kiến “hai tạm dừng”, trong đó Triều Tiên tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung. Với vị trí và ảnh hưởng ở Đông Bắc Á cũng như mối quan hệ sẵn có với Triều Tiên, mọi kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều khó thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng có lợi ích to lớn trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trước hết là trên khía cạnh kinh tế và an ninh.

Đối với các bên tham gia vòng đàm phán 6 bên, cuộc gặp Trung-Triều lần này là một diễn biến rất đáng chú ý cho thấy những biến chuyển trong chính sách của Bình Nhưỡng. Các chính đảng của Hàn Quốc đã bày tỏ cả hy vọng lẫn thận trọng đối với sự kiện này, song coi đây là một “yếu tố tích cực” trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới.

Từ Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 28/3 cho biết Mỹ đánh giá diễn biến mới nhất trên như một bằng chứng cho thấy chiến dịch gây sức ép tối đa của nước này và các nước đồng minh "đang tạo ra bầu không khí đối thoại phù hợp với Bình Nhưỡng".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên, là bước quan trọng góp phần củng cố xu hướng tích cực trong vấn đề bán đảo Triều Tiên thời gian qua. Thủ tướng Nhật Bản thì nhắc lại tầm quan trọng của việc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân sau cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên.

Một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thuộc Trường Đại học Sejong của Hàn Quốc thì lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ tiến hành hội đàm thượng đỉnh Trung-Triều với điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân. Do vậy, theo chuyên gia này, ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình chính là động thái chứng tỏ một cách rõ ràng nhất về thiện chí từ bỏ hạt nhân của Bình Nhưỡng, và đây cũng là việc mà các nước Mỹ-Nhật-Hàn cần hoan nghênh và ủng hộ.

Thanh Phương (TTXVN)
Động lực khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thăm Trung Quốc
Động lực khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thăm Trung Quốc

Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến thăm không công bố ngay lập tức của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tới Trung Quốc phần nào cho thấy Bình Nhưỡng cần sự ủng hộ từ quốc gia “hàng xóm” trước thềm các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN