Động lực khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thăm Trung Quốc

Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến thăm không công bố ngay lập tức của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tới Trung Quốc phần nào cho thấy Bình Nhưỡng cần sự ủng hộ từ quốc gia “hàng xóm” trước thềm các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: New York Times

Cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh vào ngày 28/3 đều chính thức xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới công du Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), chuyến thăm kéo dài 4 ngày của ông Kim Jong-un bắt đầu từ ngày 25/3. Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có phu nhân Ri Sol-ju và nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên.

Kênh CNN (Mỹ) dẫn đánh giá của các nhà quan sát cho rằng sẽ thật khác thường nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không trao đổi trước với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây cũng là cuộc gặp lãnh đạo quốc gia khác đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2011.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến gặp mặt trong tháng 4. Sau đó, ông Kim Jong-un cũng có lịch trình trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Mỹ Trump trong tháng 5.

Lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên hội đàm tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Chuyên gia Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie Tsinghua về chính sách Toàn cầu có trụ sở ở Bắc Kinh, ông Tong Zhao nhận định rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Trung Quốc bởi “muốn có những đảm bảo trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump”.

“Triều Tiên hiểu rằng cuộc gặp đó rất quan trọng nhưng cũng rủi ro, có nhiều điều chưa chắc chắn. Nếu cuộc gặp này thất bại, Mỹ có thể tuyên bố ngoại giao không còn hữu hiệu và chuyển sang phương pháp tiếp cận khác thậm chí là quân sự. Do vậy, mối quan hệ tích cực và ổn định của Triều Tiên với Trung Quốc sẽ phần nào ngăn Mỹ không quyết định dùng biện pháp vũ lực với Bình Nhưỡng”, ông Tong Zhao đánh giá.

Ông Ken Gause, chuyên gia về Hàn Quốc tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA Corp (Mỹ), đánh giá rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có thêm động lực trong đàm phán với Mỹ nếu Trung Quốc hoặc Nga có cam kết giúp nới lỏng lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Một số chuyên gia khác lại nhận định rằng có khả năng cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Chủ tịch Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước khi ông Kim Jong-un gật đầu gặp gỡ với Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc.

Tờ Washington Post (Mỹ) nhận định Trung Quốc muốn giữ vai trò quốc gia bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời có tham vọng giữ vị trí lớn hơn trong thế giới ngoại giao và cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng tại châu Á. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không thể bình tĩnh nếu mối đe dọa hạt nhân hiện hữu ngay biên giới nước này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh không hề muốn chứng kiến sự thay đổi chính quyền đương nhiệm tại Triều Tiên.

Người dân Triều Tiên theo dõi hình ảnh về vụ phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-14 năm 2017. Ảnh: Reuters

Cả chính phủ Trung Quốc và Nga đã đề xuất phương án Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung gần biên giới Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ “đóng băng” chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Mỹ không mấy mặn mà với đề xuất này.

Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng miêu tả mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là “môi hở răng lạnh”. Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và từ đó đến nay Bắc Kinh luôn là đồng minh của Bình Nhưỡng, đồng thời đóng vai trò đối tác thương mại chính.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đã có nhiều biến đổi. Năm 2013, ông Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh hành quyết người chú Jang Song-thaek, một nhân vật thân thiết với Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters, từ đó, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này bắt đầu suy giảm.

Tiếp đó là những sự kiện khác khiến việc “nhóm lửa” cho mối quan hệ Trung-Triều gặp khó khăn đơn cử như các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng trong thời gian qua và Bắc Kinh ủng hộ lệnh trừng phạt của quốc tế áp đặt lên Bình Nhưỡng.

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm đầy bất ngờ đối với dư luận vừa qua của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể báo hiệu một bước ngoặt đối với quan hệ Trung-Triều, ảnh hưởng tới tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ xây căn cứ quân sự ngay tại 'rốn dầu' của Syria
Mỹ xây căn cứ quân sự ngay tại 'rốn dầu' của Syria

Mỹ đã khởi công xây dựng một căn cứ quân sự lớn tại tỉnh Deir Ez-Zor - nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn, được coi là địa điểm chiến lược đối với cả quân đội Syria cũng như lực lượng nổi dậy do Washington hậu thuẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN