Chuyến thăm lần thứ 3 của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến quốc gia Đông Bắc Á diễn ra trong bối cảnh Washington đang trông đợi Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể đối với tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân sau khi có được những nhượng bộ đáng kể từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 12/6 ở Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhắc lại cam kết hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Đổi lại, Tổng thống Trump cam kết trao cho Triều Tiên các đảm bảo an ninh và tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, điều làm dấy lên chỉ trích rằng ông đã đưa ra quá nhiều nhượng bộ. Tuy nhiên, cái bắt tay giữa lãnh đạo Mỹ - Triều lại không dẫn tới một lộ trình, cũng như các thể thức cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Kết quả này đang khiến chuyến thăm của ông Pompeo ẩn chứa nhiều thách thức.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Các chuyên gia cho rằng trong chuyến công du lần này, ông Pompeo sẽ phải thuyết phục Triều Tiên tiến hành các biện pháp “có qua có lại”, buộc Bình Nhưỡng phải công khai tất cả các vũ khí và cơ sở sản xuất vũ khí cũng như tên lửa của nước này - một điều kiện then chốt để giám sát quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên -, đồng thời đặt Triều Tiên vào một lộ trình cụ thể cho tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân. Đây được xem là những yêu cầu cấp bách đối với Washington ở thời điểm hiện tại, bởi cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã mang lại những kết quả thực chất, dù Tổng thống Trump từng tự tin tuyên bố “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”. Mặt khác, việc công bố toàn bộ quy mô chương trình hạt nhân cũng được xem là phép thử đầu tiên để đánh giá mức độ chân thành của Triều Tiên trong bối cảnh vẫn còn nhiều lo ngại Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách che giấu một phần nào đó chương trình hạt nhân.
Chính ông Pompeo đã tự đặt bản thân vào thế khó với một áp lực quá lớn khi nói rằng Mỹ mong muốn Triều Tiên có các bước đi giải trừ hạt nhân “đáng kể” trong vòng 2 năm tới, trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump kết thúc vào tháng 1/2021, nghĩa là chỉ còn 2 năm rưỡi nữa. Sự sốt ruột và nóng lòng của Chính quyền Tổng thống Trump trong việc buộc Bình Nhưỡng phải thực hiện các cam kết càng được thể hiện rõ nét khi Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tuyên bố Mỹ có kế hoạch hối thúc Triều Tiên “chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân, tên lửa, vũ khí hóa học cũng như sinh học và đóng cửa các bãi thử tên lửa đạn đạo” trong vòng 1 năm nếu có sự hợp tác đầy đủ và trung thực từ phía Bình Nhưỡng. Khung thời gian ngắn ngủi mà ông Bolton đề xuất trái ngược hẳn với các chiến lược thận trọng, có phương pháp mà hầu hết giới chuyên gia khẳng định là cần thiết để tạo ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa lâu dài, cũng mâu thuẫn với thông báo ngày 3/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ, bác bỏ việc đề ra thời hạn cho quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Những thông tin mà giới chức tình báo Mỹ tiết lộ gần đây cáo buộc Triều Tiên không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, đã phủ bóng lên chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo. Nguồn tin này nói rằng Triều Tiên đã và đang tăng cường sản xuất nhiên liệu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân tại nhiều cơ sở bí mật, và có thể tìm cách che giấu những hoạt động trên, trong khi vẫn tìm cách có được nhượng bộ từ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Trong khi đó, trang mạng 38 North (38 độ vĩ Bắc) của Mỹ, qua phân tích ảnh vệ tinh chụp ngay sau thượng đỉnh Mỹ - Triều, nói rằng Bình Nhưỡng vẫn tiến hành nâng cấp một cơ sở hạt nhân sản xuất plutonium.
Những thông tin trên đã làm dấy lên sự hoài nghi về thiện chí của Triều Tiên trong việc sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân, dù Tổng thống Trump đã rất hào hứng khi nói về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Phó Giáo sư Vipin Narang, làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng: “Các hoạt động này thực tế không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào mà ông Kim Jong-un đã cam kết….Nó chỉ cho thấy rằng ông Kim Jong-un không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Daryl Kimball lưu ý: “Việc phi hạt nhân hóa không phải là đơn giản. Chưa bao giờ có tiền lệ một quốc gia đã công khai thử nghiệm vũ khí và phát triển cơ sở hạ tầng và kho vũ khí hạt nhân như Triều Tiên lại từ bỏ các vũ khí hạt nhân”. Cũng không thể loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tìm cách giành lại đủ năng lực sản xuất và nghiên cứu để cho phép nhanh chóng nối lại chương trình vũ khí hạt nhân, trong trường hợp các biện pháp ngoại giao thất bại.
Trong khi đó, các học giả thuộc trường Đại học Stanford cho rằng kể cả khi Triều Tiên hợp tác, quy mô của việc phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt, được cho là bao gồm hàng chục cơ sở hạt nhân, vẫn sẽ rất khó khăn. Các chuyên gia này nhận định phải cần tới lộ trình 10 năm, bởi theo họ, "Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí cho tới khi an ninh của nước này được đảm bảo”. Ông Shin Beomchul, Giám đốc Trung tâm an ninh và thống nhất thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nhận định thông tin về những tiến bộ của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí “chỉ là một lời cảnh tỉnh rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên phức tạp và khó khăn nhường nào”. Theo ông này, ý định phi hạt nhân hóa của Triều Tiên “chỉ được xác minh bằng lời nói” và do đó đã đến lúc chứng minh điều đó bằng hành động qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Bình Nhưỡng.
Như nhận định của bà Jenny Town, điều phối viên trang mạng 38 North: “Không nên bằng lòng về một tuyên bố và nên nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận thật sự: Cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây không phải là một thỏa thuận, mà là một mục tiêu”. Chính mục tiêu này khiến "gánh nặng" của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ ba thêm chồng chất.