Xe ô tô của Hàn Quốc qua thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi tới khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã cam kết thiết lập quan hệ song phương "mới" và nỗ lực chung để xây dựng một nền hòa bình "bền vững và lâu dài" trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc liên quan đến các thử hạt nhân và tên lửa trong những năm gần đây, một rào cản lớn ngăn chặn làn sóng đầu tư từ bên ngoài vào Triều Tiên.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Donald Trump tuyên bố quan hệ Washington - Bình Nhưỡng sẽ "khác nhiều" so với trước đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên thậm chí còn dự đoán rằng "thế giới có thể chứng kiến một sự thay đổi lớn" trong tương lai.
Thỏa thuận cuối cùng có thể mở ra cơ hội dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng, từ đó có thể cho phép các công ty Hàn Quốc cũng như giới đầu tư của nhiều nước khác xâm nhập vào quốc gia bị đóng cửa, với dân số khoảng 25 triệu người này. Trong thông báo cùng ngày, Liên đoàn các nhà tuyển dụng Hàn Quốc khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và chúng tôi hy vọng sự kiện này có thể giúp hồi sinh các nền kinh tế trong khu vực thông qua trao đổi kinh tế và hợp tác". Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cũng tuyên bố họ sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế liên Triều một khi điều kiện đã chín muồi.
Tập đoàn Hyundai - vốn đầu tư 1,25 tỷ USD vào Triều Tiên, bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ mang lại hòa bình và hòa giải cho Bán đảo Triều Tiên và mở đường cho sự hợp tác kinh tế liên Triều. Lotte, tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc, có các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi hoạt động từ các cửa hàng bách hóa đến khách sạn và nhà hàng thức ăn nhanh cũng như nước giải khát và bánh kẹo, đã cam kết hợp tác tích cực với chính sách tham gia của Chính phủ Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Lotte đã quyết định thành lập một "nhóm đặc trách" để khám phá các cơ hội kinh doanh ở Triều Tiên và một số nơi khác ở Trung Quốc và Nga có thể ảnh hưởng đến nước này.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức các cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom và đã đạt được một thỏa thuận về một loạt các biện pháp để giảm căng thẳng và tăng cường quan hệ, trong đó bao gồm việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh của ông Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump có thể thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Giáo sư nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, ông Leif-Eric Easley nói: “Việc bật đèn xanh của cộng đồng quốc tế, cùng với sự ủng hộ trong nước sẽ thúc đẩy sự tham gia của Seoul vào Bình Nhưỡng". Giám đốc bộ phận chiến lược thống nhất tại Viện Sejong, ông Lee Seong-hyon khẳng định: "Hội nghị đã đưa ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Triều Tiên và mở cửa trở lại Khu công nghiệp Kaesong đã bị đóng cửa từ năm 2016 sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa hạt nhân lần thứ thứ 4.