Ở đó, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gây bất ngờ, khi dành ra 16 phút để “giảng giải” về những vấn đề liên quan đến vấn đề sắc tộc cũng với nền dân chủ đang mục ruỗng ở Mỹ. Mục đích, theo giới chức Trung Quốc, là để khẳng định rõ ràng rằng Bắc Kinh giờ đây nhìn nhận mình ở thế ngang hàng với Mỹ. Ông Dương Khiết Trì cũng cảnh báo Washington không thách thức sứ mệnh mà Bắc Kinh coi là “thiêng liêng” - thu phục Đài Loan.
Đó là một bước dịch chuyển lớn đối với lãnh đạo Trung Quốc, những người trong nhiều thập kỉ qua né tránh thách thức Mỹ dưới tư cách là người lãnh đạo thế giới, tin theo phương châm mà ông Đặng Tiểu Bình định ra từ hàng chục năm trước về “giấu mình chờ thời”.
Giờ đây, ông Tập Cận Bình đang định hình lại quan hệ Mỹ-Trung, với đánh giá cho rằng thời đại của Trung Quốc đã đến. “Trung Quốc có thể nhìn nhận thế giới ở thế ngang bằng”, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh đầu tháng trước, một câu nói được truyền thông nội địa diễn giải như một tuyên bố, rằng Trung Quốc không còn chấp nhận ngưỡng mộ, phục tùng Mỹ.
Một mối quan hệ cạnh tranh
Cảnh báo của ông Dương Khiết Trì ở Alaska về vấn đề Đài Loan là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một thực tế: Quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc thế giới có thể dẫn đến xung đột. Mỹ cam kết giúp đỡ Đài Loan duy trì tự trị theo các điều khoản có trong Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (1979). Chính quyền ông Biden nói rất mạnh về những kế hoạch củng cố quan hệ kinh tế, chính trị giữa Washington và Đài Bắc. Ông Tập Cận Bình từng khẳng định thống nhất Đài Loan – hòn đảo Bắc Kinh vẫn coi như một tỉnh ly khai, là một phần quan trọng trong “Giấc mộng Trung Hoa” của mình.
Trước phái đoàn Mỹ ở Anchorage, ông Dương Khiết Trì cảnh báo Bắc Kinh coi vấn đề Đài Loan thuộc về chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thuộc vào nhóm lợi ích cốt lõi; sẽ không có bất kỳ không gian nào cho thỏa hiệp liên quan đến Đài Loan.
Quan hệ Mỹ-Trung rớt xuống đáy trong nhiệm kỳ của Donald Trump, rõ nhất là cuộc chiến thương mại "ăn miếng, trả miếng" giữa hai bên. Sau khi ông Biden thắng cử, giới học giả và quan chức Bắc Kinh đã sớm kết nối các quan hệ tại Mỹ, để lượng định xem chính quyền mới có thay đổi cách tiếp cận hay không. Họ nhanh chóng thất vọng.
Trước thời điểm ông Joe Biden nhậm chức, giới ngoại giao Trung Quốc nỗ lực lên lịch cho một cuộc gặp song phương cấp cao. Giới chức trong đội chuyển giao quyền lực của ông Biden không chấp nhận yêu cầu này, thay vào đó họ liên tục có các cuộc trao đổi, làm việc với đồng minh của Mỹ về chủ đề đối phó Trung Quốc.
Quan ngại của Bắc Kinh ngày một lớn, khi Antony Blinken - người được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí Ngoại trưởng, tuyên bố Trung Quốc phạm tội “diệt chủng” với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại phiên điều trần phê chuẩn hồi tháng 1 trước Thượng viện Mỹ. Bắc Kinh gọi cáo buộc này là “lời dối trá thế kỉ”.
Ông Biden và giới chức chóp bu Nhà Trắng có chung quan điểm với chính quyền tiền nhiệm coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất về quân sự, công nghệ và kinh tế cho Mỹ. Chính quyền mới nhìn nhận Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng những hành động khiêu khích. Bắc Kinh đã "đóng van" nhập khẩu với hàng hóa của Australia sau khi Thủ tướng nước này kêu gọi điều tra về nguồn gốc COVID-19, kế đến là đụng độ với Ấn Độ ở biên giới và tìm cách uy hiếp một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Về phần mình, quan chức Trung Quốc tìm cách bác bỏ lối mô tả, khắc họa mang tính chỉ trích của Mỹ. Giới ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, đồng thời ca ngợi sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tại Anchorage, trước ống kính máy quay của giới truyền thông, ông Blinken chỉ trích tóm lược hành xử của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan. Ông Dương Khiết Trì có màn đáp từ dài tới 16 phút, khởi đầu bằng việc nêu bật thành quả của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, kế đến là lời khẳng định Bắc Kinh sẽ không chạy theo cái mà một nhóm nhỏ các nước gọi là “trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp” và kết thúc bằng màn chỉ trích Mỹ về những vấn đề nhân quyền.
Sau phiên đối thoại, đại diện Trung Quốc nêu ra ba nhóm vấn đề bất đồng và hướng xử lý trong quan hệ Mỹ-Trung. Đầu tiên là những điểm dễ giải quyết, kế đến là cụm bất đồng cần tiếp tục đàm phán và cuối cùng là những vấn đề không thể đàm phán, phần lớn liên quan đến chủ quyền của Bắc Kinh, rõ nhất là tình hình Đài Loan.
Một khởi đầu mới
Trở về Bắc Kinh, “bài thuyết giảng” ở Alaska đưa ông Dương Khiết Trì thành một người hùng quốc gia. Nó đồng thời cũng đánh dấu mốc đoạn tuyệt rõ nét trong chính sách hợp tác của Trung Quốc với Mỹ.
Ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Đặng Tiểu Bình đưa ra một kết luận: “Nhìn lại, chúng ta thấy rằng những nước đi theo Mỹ đều trở nên giàu có, trong khi số chống lại Mỹ vẫn chìm trong nghèo đói. Trung Quốc nên hợp tác với Mỹ”. Đây cũng chính là luận điểm được nhiều lãnh đạo kế nhiệm Trung Quốc tuân thủ.
Ông Giang Trạch Dân là người thúc đẩy đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington để đưa Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Ông hứa hẹn trước Mỹ và giới lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn về xu thế mở cửa, hội nhập mạnh mẽ hơn của Trung Quốc với thế giới.
Kế đến, ông Hồ Cẩm Đào còn đi xa hơn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã chấp thuận bản kế hoạch do Tổng thống George W. Bush đề ra về bung gói kích thích kinh tế tại Trung Quốc, giúp thế giới vượt lên suy thoái.
Ông Tập Cận Bình trong giai đoạn đầu nắm quyền cũng chọn lối đi tương tự. “Giấc mộng Trung Hoa” mà ông đưa ra mang nét tương đồng với “Giấc mơ Mỹ”. Cuối năm 2017, ông còn thiết đãi ông Donald Trump bằng buổi tiệc cá nhân thân tình, hiếm có ở Tử Cấm thành, bất chấp việc Tổng thống Mỹ đe dọa trừng phạt Trung Quốc. “Chúng ta có cả ngàn lý do để đưa quan hệ Mỹ-Trung đi đúng hướng, nhưng chẳng có lý do nào để phá hủy quan hệ này”, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ấy nói.
Nhưng khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, liệt nhiều công ty lớn của Trung Quốc vào danh sách đen cấm vận với cáo buộc “đánh cắp bí quyết công nghệ của Mỹ” hay “trợ giúp quân đội Trung Quốc”, ông Tập Cận Bình thực sự tức giận. Theo quan điểm cá nhân ông, Mỹ giờ không còn là đối tác đáng tin cậy, Trung Quốc cần tránh lệ thuộc vào Mỹ, nhất là về công nghệ.
Khi ông Biden bước chân vào Nhà Trắng, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn, phát đi tín hiệu các công ty nước ngoài nếu không chấp nhận luật chơi do Bắc Kinh đề ra sẽ mất thị phần rộng lớn ở Trung Quốc. “Chẳng ai bắt ép họ phải ở lại Trung Quốc”, ông Dương Khiết Trì phát biểu tại cuộc gặp ở Anchorage, với hàm ý đề cập đến các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc.
“Trung Quốc đang chơi một ván bài mạo hiểm. Nhưng đó không phải là ván bài mà họ chắc chắn sẽ thua”, ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama và hiện nay là Phó Chủ tịch trung tâm Ngoại giao An ninh Quốc tế thuộc Viện chính sách Xã hội châu Á (ASPI), bình luận về thực thi đối sách của Bắc Kinh thời gian gần đây.