Chính sách “đổi trục” của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác phương Tây đã “lao dốc” thì các nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ làm dấy lên tranh cãi về khả năng thay đổi chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa căn cứ quân sự Incirlik của NATO sau đảo chính.

Việc hàn gắn quan hệ Nga-Thổ đã đạt được một bước tiến lớn sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ sự tiếc thương và đưa ra lời xin lỗi trong một lá thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin xung quanh vụ chiến đấu cơ của Nga bị bắn hạ. Và nỗ lực đảo chính vừa qua đã đem đến cho Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ một cơ hội nhìn lại mối quan hệ đồng minh và kẻ thù ở cả bên trong lẫn bên ngoài. So với lập trường thận trọng của các đồng minh Phương Tây, mà theo Ankara đánh giá là mẫu thuẫn về tư tưởng, thì Iran và Nga lại là những nước đầu tiên đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ và lên án tất cả các hình thức can thiệp quân sự ngay trong những giờ đầu tiên diễn ra bạo loạn. Một ngày sau cuộc đảo chính, ông Putin đã đích thân gọi điện chia buồn trước những mất mát về người, cụ thể là những người lính và dân thường, trong cuộc đảo chính. Hai nhà lãnh đạo còn dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Moskva vào ngày 9/8.

Sự mất niềm tin vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng với cảm giác bị phản bội, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ về tầm quan trọng của liên minh phương Tây và đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này đang đẩy Ankara đến gần hơn với Nga. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng cần được đưa ra là liệu Ankara có nên đánh cược quan hệ với các nước đồng minh phương Tây đang phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm mà nước này vẫn đang dần thoát khỏi sự cô lập. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng có lợi trong việc duy trì quan hệ hữu nghị. Điều đó lý giải tại sao những nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai nước láng giềng lại được hoan nghênh. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã thúc đẩy nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương giữa hai nước, tách riêng những lợi ích kinh tế khỏi những bất đồng chính trị. Do đó, trước vụ chiến đấu cơ của Nga bị bắn hạ, Ankara và Moskva từng nỗ lực điều chỉnh những sự khác biệt trong chính sách của mình ở Đông Âu, Caucasus và Trung Đông.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 2015 đã cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã “phản tác dụng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện giờ, giải pháp thông minh nhất chính là thiết lập một mối quan hệ đối tác dựa trên những điều khoản công bằng. Nếu không, một sự “đổi trục” sẽ đồng nghĩa với việc đánh mất sự cân bằng giữa phương Tây và phương Đông, điều có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương hơn.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia không nằm trong tiến trình hội nhập của châu Âu, song triển vọng về sự nổi lên của “một trục” gồm các nước tương tự cũng có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về lợi ích. Ví dụ về vấn đề Syria: Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì chính sách hàn gắn quan hệ này lâu dài hay không, nhất là khi Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 ở Latakia? Cho dù Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng có tín hiệu mềm mỏng trong lập trường của nước này với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, song Nga và Ankara vẫn không thể có được tiếng nói chung khi đề cập đến nhóm dân quân người Kurd ở Syria hay các lực lượng đối lập ôn hòa trên thực địa.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có lá thư xin lỗi gửi tới nước Nga về vụ bắn rơi máy bay Su-24. Ảnh: AFP/TTXVN

Và khi đó sẽ là những tổn thất về an ninh khi phá vỡ quan hệ với NATO. Sau nỗ lực đàn áp những kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã suy yếu đáng kể về mặt nhân lực, trong đó có những người đang thực hiện các hoạt động quân sự chống lại đảng Công nhân Người Kurd (PKK) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông. Trước tình trạng thiếu hụt an ninh ở biên giới phía Đông Nam, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của NATO hơn bao giờ hết. Phát biểu của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó nhấn mạnh rằng việc bình thường hóa quan hệ với Nga không phải là sự thay thế cho quan hệ với NATO hay EU, được coi là một động thái xoa dịu hiệu quả.

Khi các lựa chọn chính sách ngoại giao tác động tới không chỉ cấu trúc an ninh ở khu vực mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai của thể chế, các quyết định của Ankara nên được đưa ra với sự cân nhắc kỹ lưỡng, thay vì sự tức giận và tâm trạng thất vọng. Điều đó là rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

TTXVN/Tin Tức
Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây khó xử cho EU
Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây khó xử cho EU

Ngày 25/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) không thực hiện những lời hứa mà tổ chức này đưa ra trong thỏa thuận về vấn đề nhập cư gần đây giữa họ và Ankara.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN