Theo bài viết trên trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 26/7, tuyên bố này được đưa ra giữa lúc rộ lên tin đồn rằng Ủy ban châu Âu không thể nhất trí được cách thức xử lý vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Có tin một số phe phái muốn thu hẹp sự hợp tác của EU với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối những hành động của Ankara kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7. Cũng có tin một số phe phái khác cho rằng cần phải duy trì thỏa thuận nêu trên để ngăn chặn cuộc khủng hoảng người di cư leo thang.
Nhờ vị trí nằm giữa châu Âu và các vùng xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tác tự nhiên và không thể xa rời của EU trong bối cảnh khối này tìm cách ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu lục một cách vô vọng. Đổi lại, Ankara coi sự hợp tác trong vấn đề người di cư là cơ hội để buộc EU phải nhượng bộ những yêu cầu của họ. Và trên thực tế, vào cuối năm 2015, EU đã hứa cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tiền, hứa nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề nước này gia nhập EU và hứa bãi bỏ những hạn chế về thị thực đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới EU - tất cả chỉ để đổi lấy sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn người di cư đổ vào lãnh thổ EU. Tất nhiên, việc khôi phục các cuộc đàm phán về tư cách thành viên và miễn thị thực là những vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ EU, vì nhiều người cho rằng điều này sẽ dẫn đến dòng người di cư gia tăng từ chính Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia có khoảng 75 triệu người và hầu hết theo đạo Hồi.
Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ của Tổng thống Erdogan ngày 24/7 tại trung tâm thành phố Istambul. Ảnh: Tân Hoa xã |
Và kể từ khi thỏa thuận trên có hiệu lực vào cuối tháng 3 năm nay, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể, chí ít là theo đánh giá của EU. Dòng người di cư đổ vào Hy Lạp đã giảm mạnh, từ mức cao điểm là 212.000 người trong tháng 10/2015 xuống chỉ còn khoảng 1.500 người trong tháng 6 vừa qua. Tất nhiên, còn có những nhân tố khác góp phần làm giảm mạnh dòng người di cư, như việc đóng cửa các biên giới dọc tuyến đường di cư ở Tây Balkan và một số quốc gia thắt chặt luật tị nạn.
Tuy nhiên, một chuỗi sự kiện gần đây đang đe dọa thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Liên tục trong 10 ngày qua, Pháp phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố thảm khốc, Đức phải chịu vài vụ nhỏ hơn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bị rúng động bởi một âm mưu đảo chính. Mặc dù những kẻ tấn công mang những động cơ và mục tiêu khác nhau, song chúng có chung một xuất thân: Tất cả đều là dân nhập cư. Thực tế này càng khiến tâm lý chống người nhập cư tại châu Âu dâng cao. Đức, quốc gia đã mở cửa biên giới cho người xin tị nạn vào tháng 8/2015, đặc biệt lo ngại về tác động chính trị từ các vụ tấn công.
Vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đang gây rắc rối không kém cho Berlin. Chiến dịch trấn áp mà Tổng thống Erdogan thực hiện đối với tất cả những đối thủ chính trị khiến các thể chế và các chính phủ châu Âu khó có thể thực hiện được những lời hứa mà họ đưa ra trong thỏa thuận nhập cư. Cho tới nay, khối này chỉ cấp tiền (một cách miễn cưỡng) cho Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan phàn nàn rằng nước này mới chỉ nhận được 1-2 triệu euro trong tổng số 3,3 tỷ euro mà khối này đã hứa.
Trong khi đó, Đức rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vừa phải hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp trị vừa phải bảo vệ thỏa thuận giữa Brussels và Ankara. Những vụ tấn công gần đây khiến Berlin càng cần phải ngăn chặn dòng người xin tị nạn mới đổ vào châu Âu. Mặt khác, Đức cũng khó có thể thuyết phục được Nghị viện châu Âu phê chuẩn chương trình miễn thị thực cho Ankara vì cơ quan này đang chỉ trích gay gắt Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cuộc tranh cãi về chương trình thị thực chưa được ấn định ngày, song Nghị viện châu Âu có thể sẽ thảo luận về vấn đề này khi nối lại phiên họp vào đầu tháng 9. Nhiều khả năng, Nghị viện châu Âu sẽ trì hoãn đưa ra quyết định trong khi các nước thành viên EU thực thi thêm các biện pháp để thắt chặt những điều kiện đối với việc miễn thị thực du lịch. Tuy nhiên, điều mấu chốt là người châu Âu chưa sẵn sàng đối mặt với một cuộc khủng hoảng người di cư tái diễn trong bối cảnh họ còn phải lo giải quyết vấn đề "Brexit".