Chính phủ Pháp trước nguy cơ sụp đổ: Liệu có 'phép màu' vào phút chót?

Với áp lực từ phe đối lập và nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm, chính phủ của Thủ tướng Barnier đứng trước bờ vực sụp đổ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã mở đường cho các đảng đối lập tìm cách lật đổ chính phủ của ông - có thể là vào ngày 4/12 - sau khi tuyên bố ông sẽ không trình dự luật ngân sách an sinh xã hội để bỏ phiếu.

Ông Barnier và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã tham gia vào một cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng về vấn đề này, có thể khiến Thủ tướng Pháp phải từ chức sớm nhất là vào cuối tuần này. 

Pháp hiện đang chuẩn bị cho phản ứng từ thị trường tài chính, điều này thường có thể buộc chính phủ phải vào cuộc. Khi cuộc khủng hoảng leo thang vào tuần trước, các nhà đầu tư đã tuyên bố ngắn gọn rằng Pháp có "rủi ro tín dụng tồi tệ" hơn Hy Lạp, quốc gia có khoản nợ gần như đã khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải khốn đốn chỉ hơn một thập kỷ trước.

Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone và sự hỗn loạn có khả năng sẽ gây ra những làn sóng chấn động vượt xa biên giới của nước này.

"Người Pháp đang yêu cầu và mong đợi sự ổn định. Mọi người phải chịu trách nhiệm, và tôi chịu trách nhiệm của mình", Thủ tướng Barnier nói với các nghị sĩ vào chiều 2/12.

Theo hiến pháp Pháp, chính phủ có thể thông qua luật mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Vì ông Barnier đã làm điều này liên quan đến ngân sách, các nhà lập pháp có thể kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu thành công, nó sẽ bác bỏ luật và buộc chính phủ phải từ chức.

Một động thái bất tín nhiệm có thể sẽ diễn ra vào ngày 4/12. Sau đó, chính phủ sẽ phục vụ với tư cách lâm thời cho đến khi chính quyền mới được bổ nhiệm.

Sau thông báo trên của ông Barnier, bà Le Pen tuyên bố rằng đảng Tập hợp Quốc gia sẽ đệ trình đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm của riêng mình và ủng hộ động thái do phe cánh tả đưa ra. 

Trừ khi có một trong những nhóm đối lập chính rút lui, nếu không, chính phủ sẽ sụp đổ trước cuối tuần này. Tuy nhiên, cuộc bầu cử sớm sẽ không thể được tổ chức trước mùa hè năm sau, điều đó có nghĩa là chính phủ tiếp theo sẽ phải điều hướng trong cùng một bối cảnh chính trị bị chia rẽ.

Đây có thể sẽ là động thái bất tín nhiệm đầu tiên thành công kể từ năm 1962 và là động thái thứ hai kể từ khi nền cộng hòa Pháp hiện tại được thành lập vào năm 1958.

Ban đầu, đảng của bà Le Pen bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Barnier tiếp tục nắm quyền để đổi lấy một số nhượng bộ nhất định. Nhưng sau đó, đảng cực hữu của Pháp này cho thấy họ sẵn sàng chống lại ông Barnier, người mà họ cáo buộc là không coi trọng mối quan tâm của họ.

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella cũng cảnh báo rằng cần phải có "một phép màu vào phút chót" để thay đổi quyết định của đảng này về việc bỏ phiếu chống lại chính phủ của Thủ tướng Barnier.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Lý do thực sự khi Tổng thống Pháp mời ông Trump sang Paris
Lý do thực sự khi Tổng thống Pháp mời ông Trump sang Paris

Việc Tổng thống Pháp Macron mời Tổng thống đắc cử Trump sang tham dự sự kiện khánh thành dự án trùng tu lại Nhà thờ Đức Bà cho thấy quyền lực của ông Trump đã quay trở lại cũng như tài ngoại giao khéo léo của nhà lãnh đạo Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN