Thực tế này phản ánh sự cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng sự kiên quyết đối đầu của phe Dân chủ.
Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã đẩy nhiều chương trình chính phủ quan trọng trước các nguy cơ lớn, làm xáo trộn đời sống hàng ngày của người dân và gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Một tháng kể từ khi 1/4 số cơ quan chính phủ Mỹ phải đóng cửa do hết ngân sách hoạt động, Tổng thống Trump đã có động thái đáng chú ý khi đề xuất sẽ bảo vệ tạm thời cho khoảng 1 triệu người nhập cư để đổi lấy khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho việc xây dựng hàng rào dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Tuy nhiên, như mọi lần, đề xuất mà Phó Tổng thống Mike Pence cùng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa khác cho rằng là một "thỏa hiệp có thiện ý" này đã bị nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, kiên quyết bác bỏ. Phe Dân chủ xem nhượng bộ của Tổng thống Trump là không thỏa đáng khi việc miễn trừ cho người di cư theo diện DACA (Đạo luật Tạm hoãn thi hành trục xuất những người đến Mỹ khi còn nhỏ) chỉ là tạm thời, trong khi bức tường biên giới có thể tồn tại vĩnh viễn.
Một lý do nữa khiến các nhà lập pháp Dân chủ không chấp nhận đề xuất này là do DACA vốn đã có "chiếc ô" pháp lý của các tòa án Mỹ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất đó là các nghị sĩ Dân chủ muốn Tổng thống Trump mở cửa trở lại chính phủ trước khi các cuộc đàm phán về vấn đề di cư bắt đầu.
Bức tường ngăn cách giữa Mexico và "miền đất hứa" Mỹ được cho là có thể giúp ngăn chặn 144.000 người nhập cư từ Trung Mỹ vào Mỹ và tăng thu nhập của lao động tay nghề thấp thêm 58 cent/năm, trong khi mỗi người dân Mỹ sẽ chỉ phải bỏ ra 15 USD để xây bức tường này. Tuy nhiên, nếu so với những thiệt hại, thì những mối lợi kể trên không thấm vào đâu.
Theo các nghị sĩ Dân chủ, bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico sẽ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế, khiến thu nhập của những lao động có tay nghề cao giảm 7,6 USD/năm và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm hơn 4 tỷ USD/năm. Phe Dân chủ cho rằng thay vì dùng hàng tỷ USD để xây bức tường này, Mỹ nên tăng cường triển khai công nghệ và bổ sung nhân viên an ninh ở khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Có thể thấy, khả năng phá vỡ thế bế tắc giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ ở thì hiện tại là khá xa vời khi ông chủ Nhà Trắng một mực muốn gắn khoản tiền 5,7 tỷ USD trong bất kỳ dự luật ngân sách liên bang nào, trong khi phe Dân chủ đến nay vẫn tỏ quan điểm cứng rắn. Tuy nhiên, trong nội bộ Đồi Capitol, các nhà lập pháp dường như mong muốn nhanh chóng đạt được một giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề.
Hạ viện Mỹ ngày 25/1 tới sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật cấp 1 tỷ USD cho các hoạt động đảm bảo an ninh biên giới tại các cửa khẩu, áp dụng công nghệ hiện đại để quét an ninh các xe nghi vận chuyển ma túy và bổ sung 75 thẩm phán phụ trách vấn đề nhập cư. Trong khi đó, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đang đệ trình một dự luật ngân sách bao gồm khoản kinh phí xây bức tường cùng việc bổ sung 7,3 tỷ USD cho hoạt động tăng cường tuần tra biên giới và cải thiện các cơ sở tạm giam người nhập cư bất hợp pháp.
Theo giới phân tích, một kịch bản có khả năng xảy ra là Thượng viện Mỹ cuối cùng sẽ thông qua dự luật ngân sách của Hạ viện nhằm chấm dứt thế bế tắc hiện nay. Lý do là bởi ngay cả khi Tổng thống Trump không ký ban hành dự luật này, văn kiện nhận được sự phê chuẩn của cả 2 viện Quốc hội sẽ nghiễm nhiên trở thành luật sau 10 ngày. Trong trường hợp Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật này, Quốc hội vẫn có thể đảo ngược tình thế nếu đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ ở cả hai viện.
Trong khi dư luận chờ đợi những động thái thỏa hiệp giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, tình trạng chính phủ đóng cửa một đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viênphải nghỉ việc hoặc làm việc không lương. Cuộc sống của người dân Mỹ đã bị đảo lộn khi nhiều người đã phải dùng đến tiền tiết kiệm, bán bớt tài sản, thậm chí cầu cứu sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Hơn 1.500 tài khoản đã được thiết lập trên trang web gây quỹ cộng đồng GoFundMe để tìm kiếm nguồn tài chính giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc mua thức ăn và quần áo cho con cái.
Việc đóng cửa một phần chính phủ đã chặn ngân sách cấp cho 9 bộ cùng hàng chục cơ quan, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Sân bay quốc tế tại thành phố Miami của Mỹ đã buộc phải đóng của một trong những nhà ga chính trong 3 ngày do thiếu nhân viên an ninh.
Hiệp hội Kiểm soát không lưu quốc gia đã khởi kiện Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với cáo buộc đã ngừng trả lương hợp pháp cho các nhân viên. Cơ sở hạ tầng công nghệ ở Mỹ cũng rơi vào tình trạng rối loạn mà biểu hiện cụ thể nhất là hành khách thường xuyên bị nhỡ chuyến nếu sử dụng dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber, hay World Magnetic Model (WMM) - "đồng hồ" đo từ trường Trái Đất cũng không được cập nhật thông tin theo đúng hạn vào ngày 22/1 sau lần cập nhật gần đây nhất vào năm 2015.
WMM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi các số liệu cập nhật này góp phần củng cố tính chính xác của các hệ thống lái tàu trên biển hoặc hệ thống bản đồ của Google Maps trên điện thoại thông minh. Các chuyên gia đánh giá tình trạng rối loạn này đang ngày càng nghiêm trọng.
Tác động của tình trạng chính phủ đóng cửa một phần cũng ảnh hưởng không nhỏ hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời khiến việc tiếp cận các thông tin dữ liệu của chính phủ cũng bị hạn chế. Nhiều học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu viết các bài luận và luận văn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng gặp rào cản khi tiếp cận dữ liệu và cơ sở hạ tầng, trong khi các dự án nghiên cứu cũng bị đình trệ hoặc gián đoạn, đẩy số phận của các dự án nghiên cứu mới rơi vào tình trạng bấp bênh.
Trên lĩnh vực kinh tế, thiệt hại từ việc 1/4 cơ quan chính phủ Mỹ không được cấp ngân sách hoạt động ước tính lên tới 6 tỷ USD, còn lớn hơn khoản tiền mà Tổng thống Trump yêu cầu phải có trong ngân sách liên bang để xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý đầu năm 2019 sẽ sụt giảm.
Các nghiên cứu chỉ ra ra rằng cứ mỗi tuần một phần chính phủ đóng cửa, tốc độ tăng trưởng của cả quý sẽ giảm từ 0,05 - 0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng GDP của cả quý I sẽ giảm từ 0,1-0,2%. Dựa vào các nghiên cứu trên, nhà kinh tế học Daniel Silve của tổ chức tài chính JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý đầu tiên năm 2019 từ 2,25% xuống còn 2%. Theo dự báo của Bloomberg, hàng nghìn doanh nghiệp ký kết các hợp đồng với chính phủ liên bang có thể bị thiệt hại tới 200 triệu USD/ngày.
Có thể thấy, trong khi số phận của chính phủ Mỹ vẫn đang bị kẹt trong "bức tường chính trị", người dân, các doanh nghiệp và chung quy lại là cả guồng máy kinh tế Mỹ đã "thấm đòn" từ những tác động của tình trạng bế tắc này. Giới chuyên gia cảnh báo những hệ lụy mà người dân Mỹ cũng như bản thân nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phải gánh chịu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục "đóng băng" một phần. Thậm chí, đây có thể là khởi điểm cho một cuộc khủng hoảng khó dự đoán một khi phe Dân chủ tận dụng quyền hạn tại Hạ viện một cách thái quá và Tổng thống tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn.