Theo bài viết, vụ việc bắt đầu khi một nhóm trực tuyến bí mật được gọi là “The Shadow Brokers” xuất hiện rầm rộ trên mạng. Không có vết tích nào chứng tỏ nó từng tồn tại trước ngày 13/8, khi một tài khoản mạng xã hội "Twitter" đăng một thông cáo bất thường rằng tổ chức này đã tiến hành một cuộc bán đấu giá các công cụ hack của NSA và tài liệu trị giá 500 triệu USD. Điều đáng chú ý là nhiều khả năng chủ sở hữu cũ của "món hàng công nghệ" mà Shadow Brokers đang nắm giữ là Equation Group - một đơn vị tấn công không gian mạng ưu tú thuộc NSA. Shadow Brokers tuyên bố rằng các món hàng bị đánh cắp là công cụ hack trên không gian mạng tinh vi được NSA sử dụng.
Cuộc chiến trên không gian mạng đang ngày càng nóng. |
Đối với các cơ quan như NSA và cơ quan tình báo chuyên thực hiện các vụ nghe trộm (GCHQ) của Anh, có một văn hóa "sâu ăn sâu" về bí mật xung quanh việc giám sát không gian mạng của họ vốn đã mở rộng trở lại các tín hiệu tình báo nguyên thủy trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Tình báo Mỹ rất nhanh chóng biết rằng Trung Quốc đã đứng đằng sau vụ tấn công vào Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ, công bố vào tháng 6/2015, trong đó nhằm vào các hồ sơ của hàng triệu người Mỹ. Nhưng phải mất thời gian để quyết định phản ứng như thế nào là thích hợp và những loại tác động mà họ muốn từ nó.
Công khai xác định kẻ tấn công có thể mang lại tác động mạnh. Hoạt động của Trung Quốc nhằm vào các công ty của Mỹ đã giảm đáng kể sau khi các nhà chức trách Mỹ công khai buộc tội 5 quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc hồi năm 2015, chứng tỏ với Bắc Kinh rằng họ biết chính xác những gì các tin tặc của Trung Quốc có thể làm - và sẽ phản ứng thậm chí gay gắt hơn nếu tiếp tục. Nhưng sức mạnh của sự quy kết cũng phụ thuộc vào đối thủ. Không giống như Trung Quốc, Nga không có sự phụ thuộc về kinh tế vào Mỹ.
Một quan chức an ninh mạng cao cấp của Anh cho biết, xu hướng riêng trong hoạt động tấn công mạng của Nga trong 18 tháng qua đó là hướng tới các hoạt động "tung hỏa mù", nơi mà các cuộc tấn công được ẩn đằng sau những người ủy nhiệm.
Nếu các công cụ là mới, thì các kỹ thuật có thể không mới. Ông Philip Agee, cựu nhân viên CIA, nổi lên trong năm 1970 khi tiết lộ các hoạt động và các gián điệp của những người phụ trách cũ của ông ta. Ông ta cho biết ông là một người tố giác và trở thành một nhân vật được tán dương của phe cánh tả ở phương Tây. Nhưng trong thực tế, ông được chỉ đạo một cách cẩn thận bởi KGB, cơ quan tình báo của Liên Xô cũ. Dưới sự hướng dẫn của Nga, thông tin của ông pha trộn giữa thông tin tình báo rò rỉ xác thực của Mỹ với thông tin hoàn toàn bịa đặt bởi Moskva để phù hợp với mục đích riêng của Nga.
"Shadow Brokers" có thể là thủ thuật tương tự thích ứng với thế kỷ 21. Cả hai đều là những ví dụ điển hình về cái mà chiến lược của Liên Xô gọi là "kiểm soát phản xạ" - một khái niệm đã hồi sinh trở lại trong kế hoạch quân sự của Nga hiện nay. Kiểm soát phản xạ là thực hiện việc định hình nhận thức của kẻ thù. Ví dụ, một nhà nước có thể thuyết phục đối thủ không trả đũa về việc can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách nâng cao khả năng tung ra thông tin về chiến thuật của riêng nó. Ông Lewis tại CSIS nói: "Đây là những chiến thuật cũ. Người Nga luôn làm những việc kiểu như thé này tốt hơn chúng tôi. Nhưng bây giờ, họ có thể vận dụng chúng hiệu quả hơn nhiều. Họ đã có được lợi thế to lớn từ internet. Thông tin là một loại vũ khí".