Chiếc “neo” Nga trong cuộc bầu cử Iran

Theo kết quả sơ bộ, những người có xu hướng thân Phương Tây đang giành chiến thắng ở Tehran. Và Moskva không khỏi bận tâm vì điều này.

Cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử và bầu cử Hội đồng Chuyên gia ở Tehran ngày 26/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo “Gazeta.ru” (Nga) số ra ngày 29/2 có bài viết cho biết theo kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia Iran, những người ủng hộ Tổng thống Hassan Rouhani, người chủ trương mở rộng quan hệ với phương Tây, đang giành chiến thắng. Đây là một thông tin không hề tốt đối với Moskva vốn lâu nay vẫn đặt niềm tin vào những người bảo thủ Iran bị Mỹ gọi là “con quỷ Satan lớn”. Hiện Nga chỉ có thể thu hút Chính phủ Iran bằng các hợp đồng vũ khí và hợp tác ở Syria.

Ngày 29/2, kết quả bầu cử Hội đồng chuyên gia đã được công bố. Trong đó có Tổng thống hiện tại Hassan Rouhani và người bảo trợ của ông này là Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, một cựu lãnh đạo nhà nước Iran. Nhìn chung, theo kênh truyền hình Arab Al Jazeera, những người ủng hộ nhà cải cách trung dung Rouhani đã giành được trong Hội đồng chuyên gia 55 trong tổng số 88 ghế.

Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ, những người ủng hộ Tổng thống cải cách Iran trong Quốc hội có thể lên tới 35%. Không dưới 30% sẽ là số phiếu mà các ứng cử viên ôn hòa và độc lập giành được, những người được coi cũng ủng hộ ông Rouhani. Trong số 15% cử tri không nhận được quá 25% phiếu bầu thì sẽ phải trải qua cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới.

Sự phân tán phiếu bầu trong Hội đồng chuyên gia và Quốc hội là một đòn giáng mạnh vào quan điểm của các nhà chính trị bảo thủ ở Iran. Các thành viên Hội đồng chuyên gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Cơ quan này được bầu nhiệm kỳ 8 năm và có quyền bổ nhiệm lãnh tụ tối cao của quốc gia Cộng hoà hồi giáo - Rahbar. Rahbar hiện nay là ông Ali Khamenei, 76 tuổi và theo báo chí địa phương Iran đưa tin thì ông này bị ung thư. Có lẽ, các thành phần mới trong Hội đồng chuyên gia sẽ phải bầu ra một vị lãnh tụ tối cao mới.

Khamenei được coi là một chính trị gia bảo thủ, người có quan điểm gần với cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, người đã làm trầm trọng hơn mối quan hệ Iran với phương Tây, cười nhạo đối với các đòn trừng phạt quốc tế và đã nỗ lực để biến chương trình hạt nhân Iran trở thành hệ tư tưởng quốc gia.

Vào năm 2013, khi ông Rouhani thay thế ông Ahmadinejad, tất cả các lực lượng chính trị ở Iran đều hiểu rằng cần phải vượt qua sự cô lập quốc tế. Lãnh tụ tối cao Iran đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Rouhani, tuy nhiên, trước cuộc bầu cử hôm thứ 6 vừa qua đã làm tất cả để các nhà cải cách ủng hộ Tổng thống Rouhani giành được tối thiểu số phiếu có thể.

Kế hoạch này đã thất bại mặc dù đã có một sự sàng lọc khá kỹ càng các ứng cử viên cải cách trước cuộc bầu cử. Còn có 1 ứng cử viên bị cấm tham gia cuộc chạy đua vào Hội đồng chuyên gia là Hassan Khomenei, cháu nội của Ayatollah Ruhollah Khomenei, nhà tư tưởng và sáng lập ra Cộng hoà Hồi giáo này.

Bỏ quên về dầu

Moskva không thể yên tâm theo dõi cuộc bầu cử tại Iran. Dưới thời Tổng thống Ahmadinejad, ở Cộng hòa Hồi giáo này bùng nổ những tuyên truyền chống phương Tây và xu thế này chiếm ưu thế so với chủ nghĩa thực dụng chính trị. Quan hệ Nga - Iran lúc đó đặc biệt nồng ấm. Ngoài ra, do các lệnh trừng phạt, Iran đã không thể cung cấp dầu ra thị trường các quốc gia châu Âu, do đó, Nga đã giảm bớt một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Với chính sách cải cách trung dung của ông Rouhani, Tehran đã có những bước đi nhiều tính toán hơn. Sau “thỏa thuận hạt nhân” hồi tháng 7 năm ngoái, Iran đã nhất trí với cộng đồng quốc tế về sáng kiến của Mỹ, Cộng hòa Hồi giáo bắt đầu mở cửa ra thế giới và trong tháng 2 dự báo sẽ sản xuất 4,7 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Hôm nay, như là một phần lớn các biện pháp trừng phạt nền kinh tế Iran đã được gỡ bỏ, Tehran đang nỗ lực thu hút đầu tư tối đa và bắt đầu khôi phục nền kinh tế. Các tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu cũng bắt đầu hoạt động ở Iran bởi đây là một thị trường đầy hứa hẹn. Theo ước tính, hiện đã có khoảng 75 triệu người Mỹ và châu Âu làm việc ở Iran.

Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga Vladimir Sazhin cho biết: “Hiện Iran đặc biệt cần vốn đầu tư và công nghệ cao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế Nga hiện nay không thể đảm bảo điều đó”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Iran đã sớm biết có thể lấy gì và không thể lấy gì từ Nga. “Thỏa thuận hạt nhân” và sự mở cửa của Cộng hòa Hồi giáo này trong quan hệ với phương Tây cũng không thay đổi được bất cứ điều gì nêu trên.

Ông Sazhin nói: “Hiện chúng tôi có một số lĩnh vực cạnh tranh. Đó là vũ khí, công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân, và ở mức độ thấp hơn là vận tải đường sắt. Trong những lĩnh vực này, Nga và Iran đã từ lâu có sự hợp tác lâu dài và hiệu quả, và khó làm xấu đi mối quan hệ hợp tác đó trong 1 thời gian ngắn”.

Bảo hiểm vũ khí

Ông Sergey Demidenko, Trưởng khoa trường ĐH khoa học xã hội cho rằng hợp tác quân sự với Nga chiếm vị trí trung tâm trong học thuyết chiến lược của Tehran. Chuyên gia này nói: “Cộng hòa Hồi giáo sẽ không xem xét lại chương trình quân sự của mình. Quốc gia này nhớ rất rõ những hậu quả của mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây mang lại, chính vì vậy sẽ còn tiếp tục dựa nhiều vào việc cung cấp vũ khí của Nga”.

Tổng biên tập Tạp chí “Quốc phòng”, Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới Igor Korotrenko nói: “Ở đây tôi dẫn ví dụ ở Iraq, quốc gia đã mua vũ khí của phương Tây. Khi quân đội Mỹ bắt đầu cuộc xâm lược lãnh thổ quốc gia này, người Iraq đã không kịp khôi phục lại hệ thống phòng không của họ. Không quân Mỹ đã quá quen với công nghệ của hệ thống an ninh Pháp của quân đội Iraq và đã ngắt kết nối hệ thống này trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công”.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, Tehran đã làm hết sức mình để thuyết phục lãnh đạo Nga rằng hợp tác song phương sẽ không dừng lại. Trong tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Iran và Nga đã trao đổi chuyến thăm lẫn nhau. Hossein Dehkan, người đồng cấp của ông Sergey Shoigu đã thể hiện sự quan tâm tới các hợp đồng vũ khí của Nga với tổng giá trị lên tới 8 tỷ USD. Igor Korontrenko cho biết, trước hết, Iran quan tâm tới hệ thống phòng không của Nga.

Vào tháng 4/2015, Nga khởi động lại hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-300 trị giá 900 triệu USD cho Iran như đã hứa từ năm 2007. Dự kiến hợp đồng sẽ được thực hiện trong năm nay. Ngoài ra, Tehran cũng muốn mua các hệ thống phòng thủ quốc gia hiện đại hơn như S-400, cũng như hệ thống bảo vệ bờ biển “Bation” và tiêm kích SU-30SM.

Cùng ủng hộ Assad


Một lĩnh vực khác trong thời gian ngắn trước mắt cũng giúp gắn kết liên minh giữa Nga và Iran - cuộc xung đột ở Syria. Ông Sergey Demidenko cho biết: “Iran rõ ràng muốn duy trì quyền lực của Tổng thống hiện nay Bashar Al-Assad ở Damacus, hoặc là một ứng cử viên khác gốc Alawite và ủng hộ Tehran. Từ năm 2012, Cộng hòa Hồi giáo này đã bắt đầu ủng hộ chế độ Assad khoảng từ 6 tỷ USD đến 10 tỷ USD/năm. Và tất nhiên, Iran không muốn tài trợ mà không thu được lợi ích gì”.

Hiện ở Syria đang có lực lượng không quân và lực lượng vệ binh cách mạng Iran hoạt động. Ngày 25/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry  tuyên bố khi phát biểu trước Uỷ ban các vấn đề Quốc tế của Hạ viện Mỹ rằng Iran đã giảm đáng kể số lượng quân đội ở Syria để giúp đỡ ông Assad. Và Mỹ cũng thừa nhận rằng Nga đã giảm đáng kể số lượng các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria.

Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)
Iran trong chiến lược hướng sang Trung Á của Ấn Độ
Iran trong chiến lược hướng sang Trung Á của Ấn Độ

Mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor" mới đây đã có bài viết nhận định rằng Ấn Độ muốn mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN