Châu Âu "tránh" khí đốt Nga như thế nào

Bất chấp những tuyên bố thường thấy của châu Âu về sự cần thiết không sử dụng khí đốt Nga, khối lượng khí đốt Gazprom cung cấp cho Lục địa Già vẫn tăng lên. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mua khí đốt của Gazprom với giá rẻ hơn người láng giềng Ukraine. Đàm phán về khí đốt giữa Ukraine và Nga diễn ra khá căng thẳng, với những lời lẽ cứng rắn, và chưa thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

Vấn đề khí đốt chiếm vị trí trung tâm trong đường lối chính trị quốc tế của Moskva và qua hệ của Nga với các nước, trước tiên là EU. Trang mạng Korrespondent.net đã phân tích xem "năng lượng xanh" của Nga có giá thế nào với châu Âu và mức giá đó chênh lệch với giá bán cho Ukraine như thế nào.

Giảm giá

Châu Âu vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Ảnh: AFP/TTXVN


Để hiểu Ukraine hiện mua khí đốt của Nga ở mức giá nào không hề đơn giản. Ngày 2/4, Chủ tịch tập đoàn Gazprom, Alexei Miller tuyên bố giá khí đốt bán cho Ukraine trong quí II/2014 là 485 USD/1.000 m3. Tuyên bố này có nghĩa là Nga cắt tất cả các khoản giảm giá cho Ukraine: cả khoản giảm giá từ tháng 12/2013 được 2 tổng thống Vladimir Putin và Viktor Yanukovych thống nhất, lẫn khoản giảm giá từ tháng 4/2010, khi thỏa thuận Kharkov bắt đầu có hiệu lực.

Điều này cũng có nghĩa Ukraine sẽ trả cho Nga giá khí đốt 18% cao hơn mức trung bình năm 2013, và 80% cao hơn quí I/2014. Giá khí đốt bán cho Ukraine đắt hơn giá bán cho phần lớn các nước châu Âu. Cần không quên rằng Ukraine mua khí đốt của Nga không chỉ thông qua  Naftogaz, mà cả tập đoàn Ostchem của Dmitry Firtash, vốn mua với giá 275 USD.

Sau khi bắt đầu vòng đàm phán mới, Gazprom đề nghị giảm giá 100 USD cho Ukraine với giá cuối cùng là 385 USD/1.000 m3 thay cho giá 485 USD. Ukraine xem mức giá này là không công bằng và không thể chấp nhận, khẳng định giá thị trường phải là 268,5 USD/ 1.000 m3. Vladimir Putin phải tuyên bố Ukraine đừng mong được giám giá nhiều, tuy nhiên Kiev vẫn không chấp nhận các điều kiện của Nga, tiếp tục giữa quan điểm của mình.
 
Thực tế châu Âu

Bất chấp những tuyên bố thường thấy của châu Âu về sự cần thiết giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, khối lượng khí đốt Gazprom cung cấp cho Lục địa Già chỉ tăng lên.

Năm 2013, Gazprom đạt kỷ lục chiếm 30% thị phần khí đốt tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tập đoàn này, khối lượng khí đốt xuất khẩu tăng từ 193,92 tỷ năm 2012 lên 212,51 tỷ m3 năm 2013. Khối lượng này chủ yếu xuất khẩu sang phương Tây vì tổng khối lượng xuất khẩu sang Kazakhstan, Armenia và Georgia chỉ là 2,5 tỷ m3. Lượng khí đốt do châu Âu tự khai thác và lượng khí đốt do Na Uy cũng cấp giảm, còn khí đốt của Nga tăng lên. Các nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của Nga tại châu Âu là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Ba Lan và Anh. Mua ít nhất là các nước Macedonia, Bosnia và Herzegovina, Thụy Sĩ.

Sau khi kinh tế hồi phục tại châu Âu, các nước tiêu thụ khí đốt lớn của Nga đã tăng khối lượng mua: Anh - từ 6,95 tỷ năm 2012 lên 11,4 tỷ m3 năm 2013, tức là tăng hơn 64%; tương tự, Đức - 32,47 tỷ lên 40,5 tỷ m3; Italia - từ 14,0 lên 24,84 tỷ m3, hơn 77%.

Về mặt chính thức, Gazprom không bao giờ tiết lộ giá bán cho các nước cụ thể ở châu Âu. Trong khi đó Ủy ban châu Âu (EC) tìm cách để các nước thành viên EU thông báo tất cả các điều kiện trong hợp đồng với Gazprom. Tính theo giá trung bình, từ năm 2012, giá khí đốt bán cho Ukraine đã cao hơn giá bán cho châu Âu. Năm 2012, theo tính toán của các chuyên gia, Gazprom bán khí đốt đắt hơn cho Macedonia - 564 USD/ 1.000 m3, Ba Lan - 525,5 USD, Bosnia - 515,2 USD, CH Séc - 503,1, Bulgaria - 501.

Gazprom cung cấp khí đốt cho Lục địa Già theo các hợp đồng riêng, với giá bán thường gắn với giỏ giá dầu và thay đổi theo giá dầu thế giới song chậm hơn khoảng 6 tháng. Giá khởi điểm được xác định riêng. Theo giới phân tích, mức giá bán cao nhất là đối với những nước không có nguồn cung khí đốt thay thế.

Bởi vậy, Macedonia và Bosnia hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Gazprom, Bulgaria - 90%, thị phần của công ty Nga tại các thị trường Ba Lan và Bulgaria là hơn 60%.

Khối lượng mua cũng tác động tới giá bán: mua qua tuyến đường ống 1 tỷ m3 khí đốt/năm sẽ rẻ hơn trung chuyển khối lượng nhỏ, và phí chuyển tải được tính vào  tổng chi phí.  Vì vậy, mức giá rẻ nhất là khí đốt Gazprom cung cấp cho Anh - 313,4 USD / 1.000 m3 giai đoạn tháng 1-6/2012. Đây là thị trường cạnh tranh nhất tại châu Âu với tỷ trọng lớn giao dịch mua bán ngay, và thị phần của Gazprom tại thị trường này chỉ là 10%. Trước đó, giá thị trường không hợp lý của nhà độc quyền Nga đã được xác định qua cuộc điều tra đặc biệt của EC.

Châu Âu hành động như thế nào?

Châu Âu tích cực vận động quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán với tập đoàn Nga và nỗ lực giảm giá khí đốt. Để làm điều này, họ đã áp dụng thông lệ đe dọa phân xử tại tòa án, chứ không phải biện pháp mới nhất là điều tra chống độc quyền trên thị trường khí đốt do EC khởi xướng.

Ngoài ra, Nga đã phải nhượng bộ trong quá trình đàm phán dự án xây tuyến đường ống "Dòng chảy phương Nam", vốn cũng khiến cho giá bán trở nên rẻ hơn.

Tại châu Âu đã tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền đối với Gazprom và các chi nhánh của tập đoàn này, với nguy cơ phải chịu các khoản phạt lớn, tuy nhiên EU không muốn có các hành động cực đoan.

Tình hình thực tế là giá khí đốt bán cho Ukraine đã đạt tới mức phi lý, rẻ hơn song không đáng kể so với mua khí đốt Nga từ châu Âu. Mặc dù vậy, giá khí đốt cung cấp ngược từ châu Âu không thể rẻ hơn tới 100 USD, và nguồn cung cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì vậy trong bất cứ trường hợp nào Kiev sẽ phải thỏa thuận với Moskva, nước tiếp tục sử dụng khí đốt như một nhân tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại.


Duy Trinh

Nga cảnh báo Ukraine về việc khước từ giảm giá khí đốt
Nga cảnh báo Ukraine về việc khước từ giảm giá khí đốt

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/6 đã cảnh báo Ukraine về việc nước này khước từ đề nghị giảm giá khí đốt, đồng thời cáo buộc Kiev đẩy cuộc đàm phán vào "ngõ cụt" khi đòi giảm giá hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN