Theo nhận định của Dominik Tolksdorf, nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), chuyên về chính trị Mỹ và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Chính phủ Mỹ đã cam kết và phân bổ hơn 50 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022, một số tiền vượt quá tổng số cam kết viện trợ quân sự của các nước châu Âu.
Washington cũng đang dẫn đầu việc điều phối viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Đồng thời, Mỹ đã mở rộng hơn nữa sự hiện diện của mình tại châu Âu để củng cố NATO; một sự "xoay trục sang châu Á" gây tổn hại đến châu Âu, như nhiều người lo ngại, đã không xảy ra dưới thời Tổng thống Biden.
Sự ủng hộ dành cho Ukraine cũng rất mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ, mặc dù các thành viên của cả hai đảng thường xuyên chỉ trích việc thiếu một chiến lược rõ ràng trong chính sách về Ukraine của Nhà Trắng. Tuy nhiên, sự ủng hộ trong đảng Cộng hòa đã suy yếu sau khi Donald Trump là ứng cử viên tổng thống của đảng này.
Từ năm ngoái, viện trợ cho Ukraine đã ngày càng gây chia rẽ đảng Cộng hòa, đặc biệt là tại Hạ viện, dẫn đến việc một gói viện trợ mới đã bị Quốc hội Mỹ chặn trong nhiều tháng - gây ra hậu quả quân sự nghiêm trọng cho Ukraine. Tuy nhiên, một gói viện trợ mới cuối cùng đã được khoảng một nửa số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện chấp thuận vào tháng 4 vừa qua và hiện được bảo đảm cho Ukraine cho đến năm 2025, nghĩa là được duy trì sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Nhưng sự chậm trễ tại Quốc hội Mỹ đã cho thấy rằng sự ủng hộ của Washington đã trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều trước các tranh chấp đảng phái so với trước đây.
Trong bối cảnh đó, có một số kịch bản liên quan đến viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
Kịch bản đầu tiên là chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 tới. Một chính quyền Mỹ do một tổng thống đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Có khả năng sẽ tăng cường nỗ lực củng cố lực lượng vũ trang Ukraine để giúp họ có khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai.
Tuy nhiên, bất kỳ chính quyền mới nào cũng sẽ tiếp tục dựa vào các khoản phân bổ của quốc hội để hỗ trợ tài chính và quân sự, và các cuộc đàm phán trong tương lai về viện trợ thêm sẽ phụ thuộc vào cán cân quyền lực trong Quốc hội Mỹ cũng như lập trường tương lai của đảng Cộng hòa.
Thật khó để dự đoán đảng Cộng hòa trong quốc hội sẽ định vị mình như thế nào về viện trợ cho Ukraine sau thất bại bầu cử tiềm tàng, nhưng có khả năng số lượng những người chỉ trích sẽ tăng lên trong Quốc hội sắp tới. Do đó, nếu đảng Cộng hòa nắm giữ đa số ở một trong hai viện vào năm tới, họ có khả năng họ chặn viện trợ thêm cho Ukraine.
Một vấn đề khác liên quan đến năng lực quân sự. Sản xuất vũ khí tại Mỹ đang tăng lên, một phần là nhờ nguồn quỹ từ gói viện trợ được thông qua hồi tháng 4, nhằm bổ sung kho dự trữ của Mỹ. Chính quyền Biden liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ có khả năng hành động ở nhiều khu vực xung đột cùng một lúc. Tuy nhiên, viện trợ trong tương lai cho Ukraine cũng có thể phụ thuộc vào việc liệu thiết bị của Mỹ có cần thiết ở nơi khác hay không, ví dụ như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay Trung Đông.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thuộc cả hai đảng đều muốn châu Âu sẽ có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.
Kịch bản thứ hai là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, theo đó chính sách đối với Ukraine sẽ trở nên khó lường hơn nhiều. Về cơ bản, ông Trump tin rằng châu Âu phải cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và quân sự hơn, vì "sự sống còn" của Ukraine quan trọng với châu Âu hơn là với Mỹ. Chính quyền Trump thứ hai có thể dừng hoàn toàn viện trợ của Mỹ, nhưng cũng có thể khiến việc tiếp tục viện trợ phụ thuộc vào các nhượng bộ từ Ukraine và các đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, ví dụ như dưới hình thức cho vay, và có thể sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn so với chính quyền Biden. Ông Trump có thể bị thuyết phục bởi lập luận rằng Iran, Triều Tiên và Trung Quốc cũng liên quan đến cuộc xung đột bằng cách hỗ trợ Nga, với mục đích làm suy yếu Mỹ và phương Tây.
Phản ứng của châu Âu
Nếu đảng Dân chủ tiếp tục giữ chức tổng thống Mỹ, các đồng minh châu Âu có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ tiếp theo để tăng cường lực lượng vũ trang Ukraine và khả năng phòng thủ lâu dài của họ. Đồng thời, họ sẽ thực hiện việc chuyển gánh nặng dần dần sang châu Âu.
Để làm như vậy, ác chính phủ châu Âu khác có thể cân nhắc cung cấp cho Ukraine các thiết bị bổ sung từ kho dự trữ quốc gia, mà họ thường giữ lại để phục vụ cho nhu cầu quốc phòng của riêng họ. Ví dụ, các hệ thống phòng không Patriot bổ sung, trong đó một số quốc gia châu Âu có các mẫu đang sử dụng và Ukraine đang rất cần.
Các chính phủ châu Âu cũng tiếp tục mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ để đảm bảo việc mua sắm thiết bị và đạn dược mà Ukraine có thể cần trong những năm tới. Chính phủ Đức gần đây đã tăng cường nỗ lực để tăng sản lượng vũ khí, bao gồm hỗ trợ xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược mới và NATO đã ủy quyền sản xuất tên lửa và phụ tùng cho các hệ thống phòng không.
Trong kịch bản ông Trump trở lại nắm quyền, các chính phủ châu Âu có thể sẽ điều chỉnh mang tính giao dịch của ông Trump về các vấn đề quốc tế, nhưng phải có lập trường rõ ràng về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Họ nên làm rõ với chính quyền Trump thứ hai rằng châu Âu đã sẵn sàng gánh vác phần lớn hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trong trung hạn. Ngoài ra, họ có thể chỉ ra rằng châu Âu sẽ tiếp tục mua một tỷ lệ đáng kể các hợp đồng mua sắm quốc phòng cho cả quốc phòng quốc gia của họ cũng như cho Ukraine từ các công ty quốc phòng Mỹ, điều này đã xảy ra và sẽ tiếp tục cần thiết trong thời điểm hiện tại do năng lực hạn chế của châu Âu.