Lý do NATO yêu cầu tiếp quản từ Mỹ một phần kênh viện trợ cho Ukraine

Những lo ngại về việc ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay đã thúc đẩy NATO đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo hỗ trợ quân sự và huấn luyện cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Cơ chế hoạt động của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico (Mỹ), các nước NATO đang chuẩn bị ký kết một kế hoạch mới để liên minh này thay thế Mỹ trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Sự thay đổi này được nhiều người coi là động thái của các đồng minh NATO ở châu Âu trong Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine nhằm đề phòng khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Ông Trump thường cảnh báo rút lại các cam kết của Mỹ với Kiev. Mới nhất, tại một hội nghị phe bảo thủ ở Michigan (Mỹ) ngày 15/6, ông Trump tuyên bố sẽ ngừng việc gửi hàng chục tỷ USD cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cam kết sẽ giải quyết tình hình tại Ukraine nếu như ông tái đắc cử trong năm nay.

Cơ chế hoạt động của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Việc xác nhận ký kết kế hoạch chuyển giao hoạt động điều phối được đưa ra sau một thỏa thuận giữa NATO và Budapest, trong đó Hungary - quốc gia châu Âu vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga – cam kết không phủ quyết sự viện trợ của liên minh quân sự cho Kiev.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vào tuần trước tại một cuộc họp báo: “Tôi hy vọng các bộ trưởng sẽ đồng ý kế hoạch Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine, một nội dung quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO”.

Lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay, các đồng minh NATO bắt đầu cân nhắc một động thái như vậy vì lo ngại rằng ông Trump, nếu tái đắc cử tổng thống, có thể “làm hỏng hệ thống cung cấp viện trợ” cho Ukraine.

Một nhà ngoại giao NATO cho biết hiện có tới 500 binh sĩ NATO đang tham gia vào nhóm Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Mỹ nắm quyền chi phối cho đến nay.

Theo các quan chức cấp cao khác của NATO, Mỹ vẫn sẽ giữ quyền lãnh đạo chính trị của Nhóm trên.

Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, còn được gọi là "Định dạng Ramstein", gồm hơn 50 đồng minh gặp nhau thường xuyên để thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine.

Một quan chức NATO nêu rõ: “Sự lãnh đạo Nhóm của Mỹ sẽ vẫn tồn tại. Nhưng NATO sẽ đóng vai trò điều phối”. Vai trò đó gồm bốn khía cạnh: điều phối hỗ trợ đào tạo bằng cách đáp ứng các yêu cầu của Ukraine; kết hợp các nhu cầu và yêu cầu của Ukraine về thiết bị với các đề nghị của nhà tài trợ; chuyển thiết bị từ các nhà tài trợ đến các trung tâm hậu cần trên lãnh thổ NATO; và lập kế hoạch chuyển đổi lâu dài cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico)
Quan chức Nga nói khoảng 20 nước NATO đang tham gia xung đột ở Ukraine
Quan chức Nga nói khoảng 20 nước NATO đang tham gia xung đột ở Ukraine

Thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Sergey Tsekov tuyên bố khoảng 20 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN