“Trên thực tế, khoảng 20 quốc gia đang tham gia cuộc chiến với Nga, những quốc gia này đều là thành viên NATO, ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tôi tin rằng họ đang trong tình trạng chiến tranh với Nga”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Tsekov nói.
Trong diễn biến liên quan, bình luận về Hội nghị Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, ông Tsekov cho rằng hội nghị này không liên quan gì đến việc đạt được hòa bình ở Ukraine, mà là một phiên tòa xét xử Nga. Theo ông, những nước tham gia đã sử dụng hội nghị này chỉ để duy trì quyền bá chủ và ảnh hưởng của họ trên thế giới.
Vị quan chức này lưu ý rằng các quốc gia tham gia hội nghị đã nắm được những tuyên bố mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra vào ngày 14/6 tại cuộc họp với ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga và họ đang thảo luận về điều đó. Tuy nhiên, ông Tsekov tin rằng sẽ không có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra trong khuôn khổ của hội nghị.
“Ông Putin đã nêu rõ lập trường của Nga ở giai đoạn này. Đồng thời, Tổng thống cũng rằng nếu các bạn không chấp thuận, thì sẽ có những yêu cầu khác, thậm chí còn khắt khe hơn, được đưa ra”, ông Tsekov nói thêm.
Trước đó, ông Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình mới để giải quyết xung đột ở Ukraine, bao gồm công nhận tình trạng của Crimea, các vùng mới sáp nhập Nga gồm Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson; củng cố tình trạng không liên kết và không vũ khí hạt nhân của Ukraine; phi quân sự hóa và phi phát xít hóa và bãi bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến này.
Căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang đáng kể từ đầu năm nay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của một số thành viên NATO.
Phát biểu tại Hội nghị Hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào ngày 15/6, Tổng thống Macron đã kêu gọi đưa thêm nhiều nước vào quá trình tìm kiếm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
“Tất cả chúng ta đều cam kết xây dựng một nền hòa bình bền vững. Nhưng một nền hòa bình như vậy không thể là một sự đầu hàng của Ukraine”, ông Macron nói.
Theo ông Macron, bất cứ thoả thuận nào về chấm dứt chiến sự đều phải khôi phục chủ quyền của Ukraine và tôn trọng “quy tắc quốc tế”.
Ông Macon và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cũng khẳng định Nga không được phép chiến thắng. Họ cam kết tiếp tục cung cấp thêm viện trợ vũ khí và kinh tế cho Ukraine chừng nào nước này còn cần.