Các nước G7 có thể mất gần 83 tỷ USD nếu tài sản của Nga bị tịch thu

Theo tính toán của đài Sputnik (Nga) dựa trên dữ liệu từ các cơ quan thống kê quốc gia, nếu các nước G7 tịch thu tài sản của Nga, họ có thể thiệt hại gần 83 tỷ USD số tiền đầu tư vào nền kinh tế Nga.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Fasano, Puglia, miền Nam Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cụ thể, theo tính toán, khối lượng đầu tư trực tiếp của các thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào nền kinh tế Nga tính đến cuối năm 2022 lên tới 82,8 tỷ USD.

Theo dữ liệu mới nhất hiện có này, nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Nga là Anh với tài sản ước tính khoảng 18,9 tỷ USD.

Tiếp theo là Đức (17,3 tỷ USD), Pháp (16,6 tỷ USD) và Italy (12,9 tỷ USD). Đầu tư của các công ty Mỹ vào nền kinh tế Nga lên tới 9,6 tỷ USD. Nhật Bản và Canada đầu tư lần lượt là 4,6 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.

Trong một tuyên bố sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy ngày 14/6, các nước G7 đã chính thức xác nhận ý định cung cấp cho Ukraine khoản vay khoảng 50 tỷ USD vào cuối năm nay và khoản này sẽ được hoàn trả từ số tiền lãi thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Nếu vì lý do nào đó mà tài sản của Nga hoặc tiền lãi thu được từ những tài sản này không đủ để cấp khoản vay nói trên cho Ukraine, các nước sẽ phải cân nhắc cách thức chia sẻ trách nhiệm.

Các nước Liên minh châu Âu và G7 đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, tức là khoảng 300 tỷ euro, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các nước phương Tây sẽ chịu hậu quả khi tịch thu tài sản nhà nước của Nga. Ngày 23/5, ông Putin đã ký sắc lệnh cho phép Nga lấy tài sản của Mỹ, trong đó có cả chứng khoán, để bồi thường cho các tài sản của Moskva bị Washington phong tỏa và tịch thu.

Bộ Ngoại giao Nga gọi việc phong tỏa tài sản Nga ở châu Âu là hành vi trộm cắp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu kho dự trữ của nước này bị tịch thu. Theo ông, Nga cũng có quyền lựa chọn không trả lại số tiền mà các nước phương Tây để ở Nga.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Moskva sẽ đáp trả nếu các nước phương Tây sử dụng bất hợp pháp các tài sản của Nga.

Liên quan việc áp đặt trừng phạt Nga, ngày 12/6, Mỹ cho biết nước này đã mở rộng các biện pháp trừng phạt, trong đó nhắm vào các công ty ở Hong Kong (Trung Quốc) bán chất bán dẫn cho Nga. Biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng ưu tiên cao của Nga trị giá gần 100 triệu USD, trong đó có chip nhớ. Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ thông báo thêm rằng bộ này cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng mà Nga không thể nhập khẩu từ các quốc gia khác, không chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ mà còn cả hàng hóa mang nhãn hiệu Mỹ, nghĩa là những sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của nước này.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt nhằm vào các tổ chức quan trọng của hệ thống tài chính Nga, trong đó có Sàn giao dịch chứng khoán Moskva (MOEX).

Thùy Dương/Báo Tin tức
G7 đạt quyết định lịch sử về gửi lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong toả cho Ukraine
G7 đạt quyết định lịch sử về gửi lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong toả cho Ukraine

Theo hãng tin AFP, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý chuyển 50 tỷ USD lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Liên bang Nga cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN