Lễ nhậm chức được tổ chức sau khi đương kim Tổng thống Cyril Ramaphosa, lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2 sau phiên họp Quốc hội mới được bầu kéo dài đến tận khuya 14/6.
Với việc chỉ giành được 40% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng ANC đã quyết định thành lập chính phủ liên minh - Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU), đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cục diện chính trị đất nước, bởi ANC luôn cầm quyền kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc 30 năm trước.
GNU gồm đảng của nhà lãnh đạo huyền thoại quá cố Nelson Mandela, đảng Liên minh Dân chủ (DA) do người da trắng lãnh đạo, ủng hộ doanh nghiệp và kinh tế tự do - đối thủ lớn từ trước đến nay của ANC, đảng Tự do Inkatha (IFP), đảng Liên minh Yêu nước (PA) và đảng nhỏ GOOD. Các đảng đồng ý tham gia chính phủ đoàn kết kiểm soát 68% trong tổng số 400 ghế tại Quốc hội, trong đó ANC chiếm 159 ghế, DA là đảng lớn thứ hai với 87 ghế, IFP (17 ghế), PA (9 ghế) và GOOD (1 ghế).
Liên minh cầm quyền này sẽ tác động ra sao tới tương lai của Nam Phi là chủ đề được dư luận trong nước và khu vực quan tâm trong suốt hai tuần qua, kể từ khi các chính đảng bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ và tìm kiếm liên minh.
Thị trường Nam Phi đã phản ứng tích cực với tin tức này, khi các nhà đầu tư coi DA trung dung là một đảng thân thiện với doanh nghiệp, thường được biết đến với khả năng quản trị trong sạch. DA đã giành được gần 22% số phiếu bầu.
Lãnh đạo đảng này - ông John Steenhuisen - gọi thỏa thuận liên minh GNU là "một chương mới trong lịch sử đất nước" và lưu ý rằng mặc dù con đường phía trước có thể khó khăn nhưng là ý nguyện của người dân về một nền chính trị mới. Trong khi đó, đảng Tự do Inkatha theo đường lối bảo thủ đã gạt bỏ những lo ngại về việc hợp tác với DA.
Nam Phi đã từng có một chính phủ đoàn kết dân tộc. Chính phủ dân chủ đầu tiên vào năm 1994 là một phần của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa cố Tổng thống Mandela và tổng thống cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc F.W. de Klerk. Chính phủ dân chủ này đã trở thành biểu tượng của sự hòa giải.
Việc thành lập liên minh thành công, nhưng những gì chờ đợi Tổng thống Ramaphosa trong công cuộc điều hành đất nước thông qua GNU vẫn là câu hỏi để ngỏ, đặc biệt là thành phần nội các mới. Ngay sau lễ nhậm chức, các cuộc họp song phương với các lãnh đạo đảng sẽ diễn ra với mục tiêu công bố nội các mới trong những ngày tới. Nội các cũ gồm 30 bộ trưởng cùng 36 thứ trưởng và Tổng thống Ramaphosa đã cam kết sẽ tinh giản bộ máy điều hành, nhưng kế hoạch đó có thể trì hoãn để thu hút các đối tác mới trong chính phủ.
Mặc dù 5 đảng ký kết tham gia GNU, giới quan sát đánh giá phần lớn các cuộc đàm phán về danh mục đầu tư sẽ diễn ra giữa ANC và DA. Họ kỳ vọng chính phủ mới sẽ tăng tốc các cuộc cải cách kinh tế. Đồng Rand của Nam Phi đã tăng gần 3% trong tháng này do trái phiếu và cổ phiếu tăng giá nhờ sự quan tâm về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Ông David Faulkner, chuyên gia kinh tế của HSBC phụ trách các nước khu vực phía Nam sa mạc Sahara, nhận định chính phủ liên minh mới phải đối mặt với vô số thách thức kinh tế, bao gồm tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và áp lực tài chính. Ông cho rằng GNU sẽ chú trọng lĩnh vực cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng và lựa chọn chính sách kinh tế vĩ mô chủ chốt. Kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong số 11 lĩnh vực trọng tâm của chính quyền sắp tới, vốn coi đầu tư vốn cố định, cải cách cơ cấu và bền vững tài chính là những mục tiêu chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế Nam Phi đã tăng trưởng trung bình dưới 1% mỗi năm trong thập niên qua - thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì mức sống cho dân số ngày càng tăng. Tổng thống Ramaphosa cũng đã nhấn mạnh mục tiêu chính của GNU là giải quyết các vấn đề cấp bách mà người dân Nam Phi đang phải đối mặt, bao gồm tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chi phí sinh hoạt, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chống tội phạm và tham nhũng.
Theo luật pháp Nam Phi, Tổng thống Ramaphosa có thể bổ nhiệm tối đa hai người không phải là thành viên quốc hội vào nội các. Nhiều nguồn tin cho biết một trong những vị trí đó dự kiến sẽ thuộc về Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác quốc tế Naledi Pandor. Bà Pandor dẫn đầu các sáng kiến chính sách đối ngoại của chính quyền trong 6 năm qua, bao gồm cả việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu BRICS.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng là, việc liên minh với DA cũng sẽ giúp GNU có được chính sách đối ngoại trung dung hơn, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến những thị trường xuất khẩu lớn của Nam Phi như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tốt với những đối tác truyền thống của Nam Phi trong khối BRICS và các nước Nam bán cầu. Giới quan sát tin rằng đảng Tự do Inkatha có thể có một ghế duy nhất trong nội các, trong khi các đảng nhỏ hơn sẽ đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong các ủy ban quốc hội.
Không thể phủ nhận sự khác biệt về ý thức hệ và chính sách giữa ANC và các đảng khác, nhưng giờ là lúc các chính đảng phải vượt qua những khác biệt này để cùng nhau làm việc vì lợi ích chung, phù hợp với ý nguyện của người dân. Và không phải vô cớ khi Nam Phi được gọi là "đất nước Cầu vồng" - nơi hội tụ của sự đa dạng về chủng tộc, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và hy vọng cho một tương lai tươi sáng sau nhiều thập niên chịu sự cai trị tàn bạo của chế độ phân biệt chủng tộc. Một chính phủ đoàn kết dân tộc đặc biệt, lần đầu tiên được thành lập ở Nam Phi sau 30 năm, được kỳ vọng có thể đưa đất nước vượt qua những thách thức hiện nay.