Cầu nối cho sự phục hồi hậu COVID-19

Bất chấp đại dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, kinh tế toàn cầu được đánh giá bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công ở nhiều nước và những nước khác quyết định “sống chung” với COVID-19. Tuy nhiên, di chứng của cuộc khủng hoảng sẽ đè nặng lên các nền kinh tế và xã hội trong những năm tới.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại London, Anh, ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận định đó được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại Venice, Italy.

Trong bối cảnh đó, G20 hướng tới mục tiêu trở thành cầu nối cho các nỗ lực duy trì sự phục hồi nhọc nhằn này, thông qua việc tìm ra các giải pháp chung nhằm đảm bảo sức khỏe là một lợi ích chung toàn cầu và tăng cường khả năng chuẩn bị đối phó với các đại dịch; thúc đẩy môi trường quốc tế thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng; duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế; làm cho hệ thống thuế quốc tế trở nên công bằng và minh bạch hơn; và bảo vệ hành tinh trong khi cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người.

Điểm nổi bật nhất là Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Venice đã tán thành thỏa thuận lịch sử về một cấu trúc thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn nhằm chấm dứt các "thiên đường thuế" và ngăn chặn các công ty toàn cầu hưởng lợi khi các quốc gia cạnh tranh nhau để đưa ra mức thuế thấp nhất. Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco cho rằng thỏa thuận này có thể làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc thuế quốc tế hiện tại, mở đường cho các nhà lãnh đạo G20 hoàn tất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mới là 15% tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào tháng 10 tới, động thái có thể giúp thu lại hàng trăm tỷ USD cho các kho bạc công đang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trước đó, kế hoạch cải cách thuế toàn cầu đã nhận được sự ủng hộ của 131 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chiếm 90% sản lượng kinh tế toàn cầu. Chính sách thuế doanh nghiệp tối thiểu là một trong hai trụ cột của cuộc cải cách thuế toàn cầu. Một trụ cột khác ít gây tranh cãi hơn là kế hoạch đánh thuế các công ty tại nơi họ tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ đơn giản áp thuế theo nơi họ đặt trụ sở chính. 

Thỏa thuận cuối cùng về mức thuế tối thiểu sẽ được quyết định vào tháng 10 tới, nhưng các cuộc thảo luận ở Venice là cơ hội để tìm hiểu thêm chi tiết và gây áp lực đối với những nước chưa ủng hộ kế hoạch của OECD. Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Estonia, Hungary và Ireland đang sử dụng thuế suất thấp để thu hút đầu tư. Sự ủng hộ của các quốc gia này rất quan trọng đối với EU, vì việc áp dụng mức thuế tối thiểu sẽ đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả quốc gia thành viên của khối.

Tuy nhiên, trong nội bộ G20 cũng có những vấn đề chính trị cần được giải quyết. Đầu tiên, việc cải cách thuế trên mâu thuẫn với kế hoạch của EU nhằm áp đặt “thuế kỹ thuật số” để giúp thanh toán cho chi tiêu phục hồi sau đại dịch COVID-19, với ngân sách trị giá 750 tỷ euro của khối. Khi chính sách thuế mới được áp dụng (mục tiêu của OECD là vào năm 2023), thuế kỹ thuật số quốc gia do các nước như Pháp, Italy và Tây Ban Nha áp đặt sẽ biến mất. 

Bên cạnh đó, Washington coi đây là hành động phân biệt đối xử với những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Các quan chức nước này đã cảnh báo đề xuất trên có thể làm “trật bánh" các cuộc đàm phán về cải cách thuế toàn cầu. Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra cam kết lịch sử về vấn đề này tại hội nghị ở Anh vào tháng 6/2021. Nhưng những cải cách này phải được quốc hội các nước thông qua - và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Nội dung đáng chú ý thứ hai của Hội nghị bộ trưởng G20 tại Venice là việc đánh giá tiến độ của thỏa thuận về nợ, trong lúc các dấu hiệu về cuộc khủng hoảng nợ ngày càng tăng. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo về một "sự phân kỳ ngày càng sâu sắc" giữa các quốc gia giàu và nghèo, khi đại dịch COVID-19 và thiệt hại kinh tế của nó đã giáng một "đòn kép tàn khốc" vào các nước nghèo nhất. 

Khi tiếp tục cung cấp các biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu và thực hiện các khoản đầu tư mang tính chuyển đổi để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bình đẳng thu nhập, các bộ trưởng tài chính G20 đã ủng hộ một sáng kiến của IMF để tăng cường viện trợ cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thông qua việc phân bổ 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để cung cấp thêm thanh khoản cho các quốc gia. Tuyên bố của hội nghị kêu gọi "sự đóng góp của tất cả các quốc gia có khả năng nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng trong hỗ trợ của các quốc gia dễ bị tổn thương ".

Điểm thứ ba cần lưu ý là các bộ trưởng tài chính, trong khi nhấn mạnh ủng hộ việc "chia sẻ vaccine công bằng trên toàn cầu", đã không đề xuất các biện pháp cụ thể, mà chỉ ghi nhận khuyến nghị lập quỹ mới tài trợ cho vaccine trị giá 50 tỷ USD mà IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra. Sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo trên thế giới vẫn rất lớn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ rõ sự khác biệt này đang làm suy yếu những nỗ lực lớn hơn để hạn chế sự lây lan của virus. Trong khi một số quốc gia giàu nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất một mũi vaccine, thì con số này giảm xuống dưới 5% ở nhiều quốc gia châu Phi.

Một nội dung đáng chú ý nữa là lần đầu tiên trong thông cáo chính thức ngày 10/7, các bộ trưởng tài chính G20 đã công nhận thuế carbon là một công cụ tiềm năng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Việc đánh thuế carbon nằm trong bộ công cụ mà các quốc gia cần phối hợp để giảm phát thải khí nhà kính. Các công cụ này bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và công nghệ mới để thúc đẩy quá trình khử cacbon và năng lượng sạch", hợp lý hóa và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và nếu thích hợp, sử dụng các cơ chế và sáng kiến đánh thuế carbon, trong khi cung cấp các khoản hỗ trợ có mục tiêu cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Có thể nói, với những thỏa thuận đạt được trong các vấn đề kinh tế, tài khóa và tiền tệ toàn cầu tại hội nghị cấp bộ trưởng lần này, G20 đã phần nào "truyền cảm hứng" để các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tiếp tục nỗ lực vượt qua đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi bền vững, cân bằng và bao trùm, đồng thời đảm bảo rằng thế giới sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cú sốc không thể lường trước, góp phần phát triển tầm nhìn chung nhằm định hình một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

Dương Hoa (PV TTXVN tại Italy )
Thủ tướng Anh kêu gọi người dân thận trọng với dịch COVID-19
Thủ tướng Anh kêu gọi người dân thận trọng với dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân cần thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại tại nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN