Bầu cử châu Âu năm 2025: Ý nghĩa đối với EU và Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine đang gần bước sang năm thứ 4 và các cuộc bầu cử tại châu Âu trong năm 2025 không chỉ là liều thuốc thử cho sự đoàn kết của cả khối EU mà còn tác động không nhỏ tới tương quan lực lượng trên chiến trường của cả Liên bang Nga và Ukraine.

Chú thích ảnh
Giao tranh tiếp tục leo thang giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Sputnik

Cuộc chiến Nga - Ukraine đang tiến gần đến cột mốc tròn ba năm và thế giới vẫn đang dõi theo sát những diễn biến liên quan. Trong suốt thời gian xung đột, theo một số thống kê, hàng chục nghìn người nước này đã thiệt mạng, nhiều thành phố và làng mạc bị san phẳng và khoảng một phần tư dân số của quốc gia vẫn đang sống trong cảnh ly tán.

Trong khi đó, Nga cũng phải chịu tổn thất lớn về người, khí tài quân sự cũng như mất hàng trăm tỷ USD do các lệnh trừng phạt quốc tế. Mặc dù cả hai bên chiến tuyến đều chịu tổn thất nặng nề nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trước những thiệt hại do cuộc chiến gây ra, nhiều nhà lãnh đạo quốc tế kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình với tính chất bắt buộc. Một số khác cho rằng những khoản viện trợ dành cho Ukraine quá tốn kém và đang thúc giục cộng đồng quốc tế cắt giảm khi lập luận rằng cuộc chiến đang diễn ra trong thời gian quá dài và phải nhanh chóng chấm dứt. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đã đóng băng viện trợ trong tương lai cho Ukraine. Điều này được đánh giá là đang gia tăng thêm áp lực khiến chính quyền Anh và Liên minh châu Âu (EU) phải có những bước đi tương tự. Quan điểm này đang ngày càng được những nhà lãnh đạo theo đường lối dân túy và cực hữu tại châu Âu thúc đẩy.

Hungary, Slovakia và sự chia rẽ trong EU

Kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chỉ trích việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Ông lập luận rằng EU phải tập trung vào chính mình trước khi cung cấp hàng tỷ euro viện trợ bên ngoài như vậy. Trước đây, ông cũng đã trì hoãn các cuộc đàm phán gia nhập EU với Ukraine và chặn nhiều gói viện trợ khác nhau.

Không chỉ mỗi Hungary mà vị Thủ tướng từ năm 2023 của Slovakia, ông Robert Fico cũng đang có những quan điểm tương đồng liên quan đến lợi ích của Ukraine. Kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Fico đã cho rằng viện trợ của EU cho Ukraine là tốn kém. Gần đây hơn, ông đã đe dọa sẽ cắt giảm thêm viện trợ cho Ukraine vì ông tin rằng nước này nên cần phải đàm phán hòa bình với Nga.

Những động thái trên của Thủ tướng Hungary và Slovakia từng bị phía Ukraine cho rằng đã ngăn cản nước này nhận được nguồn viện trợ quan trọng từ EU và đang giúp tiếp sức trong cuộc chiến với Nga. Việc đình trệ các khoản viện trợ trong tương lai cho Ukraine cũng được xem là đang tạo cơ hội cho phía Nga củng cố lực lượng trên chiến trường. Để Ukraine nhận được thêm viện trợ từ khối EU thì tất cả 27 thành viên phải đồng thuận thông qua các thỏa thuận được đề xuất. Nếu một quốc gia lựa chọn phủ quyết đề xuất thì viện trợ sẽ bị tạm dừng.

Khi đó, các thành viên của EU sẽ phải tập trung để giải quyết những bất đồng trước khi trình bày một đề xuất mới và một tiến trình bỏ phiếu thông qua lại cần thực hiện lại. Quá trình này bị đánh giá là sẽ tốn kém khá nhiều thời gian, trong khi tình hình chiến sự đang thay đổi chóng vánh từng ngày.

Một trong những nét chung nữa của Thủ tướng Hungary và Slovakia là đã đều có các cuộc gặp chính thức với Tổng thống Nga Putin. Trong đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico được đồn đoán là có trao đổi về cuộc chiến hiện nay cũng như vấn đề năng lượng với Nga trong cuộc gặp trên. Phía Ukraine cáo buộc phía Hungary và Slovakia đã gây ra căng thẳng trong nội bộ EU cũng như làm suy yếu lập trường chung của khối. Khi nhiều quốc gia EU phản đối cuộc chiến của Nga tại Ukraine thì các nhà lãnh đạo này đã bố trí các cuộc gặp chính thức với Tổng thống Putin – điều mà nhiều nước EU lên tiếng phản đối.

Chủ nghĩa dân tộc gia tăng tại châu Âu

Những biến động trên không phải ngẫu nhiên. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, niềm tin của người dân châu Âu vào Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ukraine đang giảm sút. Nhiều người châu Âu chỉ trích cuộc chiến và họ hoài nghi về khả năng phòng thủ của Ukraine cũng như đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể giành chiến thắng hay không.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở châu Âu, đặc biệt sau các cuộc bầu cử quốc gia hoặc tại địa phương vào năm 2024. Theo Hiệp hội Luật sư Quốc tế, bảy quốc gia thành viên EU đã chứng kiến ​​các đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm ngoái. Các đảng cầm quyền ở Croatia, Séc, Phần Lan, Hungary, Italia, Hà Lan và Slovakia hiện do các phong trào cực hữu lãnh đạo. Ngoài ra, các nhóm cực hữu đã có những bước tiến trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào mùa hè năm ngoái. Những kết quả này cho thấy có sự thay đổi trong dư luận và lập trường của người dân ở châu Âu về EU, Ukrainei. Một chính trị gia thuộc chính đảng cầm quyền tại các quốc gia trên đã đặt câu hỏi về vai trò của NATO và EU và chỉ trích việc viện trợ cho Ukraine.

Những kết quả này cũng có thể dự báo những điều có thể xảy ra trong năm 2025. Trong khi Hungary và Slovakia chỉ trích nhiều nhất về viện trợ cho Ukraine, những nước khác cũng đang bắt đầu có những bước đi tương tự. Tổng thống Croatia mới tái đắc cử Zoran Milanovic đã thúc đẩy Ukraine phải tiến hành đàm phán hòa bình với Nga. Trước đây, ông cũng đã đổ lỗi cho phương Tây và Ukraine vì không duy trì các thỏa thuận hòa bình trong giai đoạn năm 2014 – khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea.

Trong khi đó, vào năm 2024, ông Geert Wilders và nhóm cực hữu của ông đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan. Ông Wilders trước đó đã chỉ trích việc viện trợ cho Ukraine và phản đối việc ký kết thỏa thuận an ninh với phía Ukraine.

Với tình hình này, cả người dân EU và Ukraine sẽ rất nóng lòng muốn kiểm chứng những cuộc bầu cử sắp tới tại khắp “lục địa già” sẽ tác động như thế nào trong thời gian tới. Một số nhóm cực hữu đang chạy đua trong nhiều cuộc bầu cử trên khắp châu Âu vào năm 2025. Nhiều ứng cử viên từ các đảng này cũng có những chỉ trích EU và việc viện trợ cho Ukraine.

Bầu cử 2025: Ngã rẽ quan trọng cho châu Âu

Các quốc gia châu Âu như Albania, Czechia, Moldova và Na Uy sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội trong năm 2025. Trong khi đó, Áo và Đức sẽ tổ chức bầu cử liên bang. Và Hy Lạp, Ireland, Ba Lan và Romania sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống.

Tùy thuộc vào kết quả của các cuộc bầu cử này, bối cảnh chính trị trên khắp châu Âu có thể thay đổi mạnh mẽ. Nhiều chính trị gia cực hữu này đang tìm cách hướng nội vì những chỉ trích đối với EU. Những chính trị gia đang khai thác những lo ngại về lạm phát, chi phí sinh hoạt và giá năng lượng tăng cao để thu hút cử tri. Họ đổ lỗi cho EU về một số vấn đề này và cho rằng quốc gia của mình cần tập trung giải quyết vấn đề trong nước hơn thay vì các vấn đề địa chính trị lớn hơn, trong đó có sự hợp tác liên tục của EU hoặc cuộc chiến Nga - Ukraine.

Nói cách khác, cuộc bầu cử năm 2025 trên khắp châu Âu sẽ có những tác động lớn đối với tình hình khu vực cũng như cuộc chiến tại Ukraine. Kết quả của quá trình bầu cử ở các quốc gia này sẽ không chỉ tác động đến thành bại của các bên trong cuộc chiến Nga - Ukraine mà còn đặt ra câu hỏi về vai trò của khối EU.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Kyiv Post)
Nga tiết lộ điều kiện chấp nhận quân đội nước ngoài tại Ukraine
Nga tiết lộ điều kiện chấp nhận quân đội nước ngoài tại Ukraine

Nga tuyên bố bất kỳ lực lượng quân đội nước ngoài nào hiện diện tại Ukraine đều phải có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN