Căng thẳng Mỹ-Triều Tiên và phép thử mang tên 'cá cược tấn công Guam'

Với cảnh báo về "lửa cháy và thịnh nộ", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch "giới hạn đỏ" cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Nhưng trong khi công nghệ của Mỹ vẫn chưa thể đảm bảo hoàn thành 100% nhiệm vụ đánh chặn tên lửa, Bình Nhưỡng được cho là có thể thực hiện "phép thử" của mình tại Guam theo kế hoạch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch "giới hạn đỏ" cho nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Ảnh: Getty

Nhưng ngay sau đó, Bình Nhưỡng thậm chí thách thức cả giới hạn đỏ này khi đưa ra thông báo cụ thể hơn về kế hoạch tấn công đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương: 4 quả tên lửa đạn đạo và giữa tháng 8 này. Trong khi ông Trump chưa có chiến lược cụ thể đằng sau những lời đe dọa chung chung về một cuộc tấn công "chưa từng có tiền lệ", Triều Tiên đã vạch rõ kế hoạch cụ thể và coi đây là một cuộc thử nghiệm nhất thiết phải thực hiện trước khi có thể ngồi vào bất kỳ bàn đàm phán nào.
   
Xem ra rất khó được hạ nhiệt cuộc đấu khẩu đang sôi sùng sục này, bất chấp hàng loạt cảnh báo và can ngăn từ giới chuyên gia, học giả và cả các chính khách, nghị sĩ Mỹ, cũng như lời kêu gọi kiềm chế và đối thoại từ phía giới chức Hàn Quốc. Ông Trump không còn đường lùi vì như thế sẽ là rất "mất mặt", còn Triều Tiên đang được đà lấn tới. Họ thậm chí công bố cụ thể cả thời điểm và phương tiện tiến hành vụ tấn công đầu tiên vào vùng lãnh thổ Mỹ. Họ chọn Guam không chỉ vì hòn đảo này gần với Bình Nhưỡng, nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tất nhiên cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nếu họ thực sự đang sở hữu. Nhưng lý do lớn hơn giải thích cho sự lựa chọn này là vì đây là tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, nơi có các căn cứ quân sự tinh vi nhất, hiện đại nhất bên ngoài lục địa Mỹ, đặc biệt là căn cứ Không quân Anderson và căn cứ hải quân Guam. Đây cũng là vị trí quan trọng nhất mà Mỹ sẽ dùng để tấn công Triều Tiên nếu xảy ra chiến tranh trong tương lai. Những lý do này là quá đủ để thôi thúc Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm, nhất là khi được sự "khích lệ" từ cuộc đấu trí với ông Trump.
   
Theo giới chuyên gia, ý định của Triều Tiên tấn công bằng tên lửa vào Guam có thể là một hành động có tính toán nhằm chứng minh những tuyên bố của Washington về khả năng phòng thủ tên lửa chỉ là "bịp bợm". Nếu một trong 4 tên lửa tầm xa chọc thủng thành công hệ thống phòng thủ của Mỹ trong cuộc thử nghiệm tới, đó sẽ là thắng lợi to lớn đối với Bình Nhưỡng. Guam hiện được bảo vệ bởi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một trong những vũ khí chính của Mỹ trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa. Mới đây nhất, tháng 4/2013, Mỹ đã triển khai 6 tên lửa trong hệ thống THAAD tại đây, nâng tổng số lên 48 tên lửa đánh chặn. Mỹ dường như đang cân nhắc nghiêm túc về việc bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên nhắm vào những vùng biển xung quanh đảo Guam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo công nghệ đánh chặn tên lửa của Mỹ vẫn chưa thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ này vì THAAD hiện vẫn là một hệ thống thử nghiệm, tức là chưa thể chắc chắn sẽ đánh trúng hay trượt mục tiêu. Chính bởi vậy, điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn khi có ý định tấn công Guam chính là thử nghiệm tính hiệu quả của hệ thống này.

   
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện "phép thử" của mình tại Guam theo kế hoạch. Cuộc "cá cược" này sẽ cho kết quả thế nào thì cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa biết. Một thất bại của THAAD sẽ khiến quân đội Mỹ lúng túng, còn nếu Mỹ đánh chặn thành công các tên lửa của Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng cũng chẳng mất gì vì họ đâu có gì để mất. Nhưng một trong các hậu quả của một cuộc "thử nghiệm nóng" như vậy sẽ là sự đáp trả tương xứng của ông Trump. Không thể loại trừ nguy cơ về một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai.

Bạch Dương (TTXVN)
Mặc Triều Tiên dọa tấn công, du khách đảo Guam vẫn tắm biển, lướt sóng
Mặc Triều Tiên dọa tấn công, du khách đảo Guam vẫn tắm biển, lướt sóng

Bất chấp Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo, người dân và du khách tại đây vẫn bình thản tiếp tục cuộc sống thường nhật với lướt sóng, tắm biển và dạo chơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN