Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ngày 9/8, quân đội nước này đang “chờ lệnh” để phóng bốn quả tên lửa đạn đạo vào các căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên đảo Guam - bởi vì các quan chức Bình Nhưỡng tin rằng Tổng thống Donald Trump quá “thiếu lý do” để đàm phán.
“Tổng thống Mỹ lần nữa tại một bãi chơi golf đã đưa ra loạt tuyên bố vô nghĩa về “lửa và thịnh nộ”, không nắm bắt được tình trạng nguy hiểm đang diễn ra”, Tướng Kim Rak-gyom - Tư lệnh của Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên - phát biểu một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ cảnh cáo tấn công nếu Bình Nhưỡng nếu tiếp tục duy trì tham vọng tấn công Washington bằng tên lửa đạn đạo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian gần đây thường "đấu khẩu" gay gắt. |
Vì lẽ vậy, ông Kim Rak-gyom tin: “Đàm phán là không thể với một người thiếu lý lẽ và chỉ dùng biện pháp mạnh mới có hiệu quả”.
Tuyên bố của Tư lệnh Triều Tiên nêu rõ vào giữa tháng 8, quân đội nước này sẽ hoàn tất kế hoạch để phóng bốn quả Hwasong-12 bay qua Biển Nhật Bản xuống khu vực 30km ngoài khơi đảo Guam. Sau khi hoàn tất, lực lượng này sẽ báo cáo lên tổng tư lệnh và chờ đợi lệnh tấn công”.
Tuyên bố cũng kết luận: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ phát ngôn và ứng xử của Mỹ”. Kết luận này đã để mở khả năng Bình Nhưỡng dù sôi sục chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhưng vẫn nghe ngóng tín hiệu từ Washington. Quốc gia Đông Bắc Á này vẫn luôn bảo vệ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và luôn muốn được ký kết một hiệp định đình chiến với Washington.
Trước đó, giới quan sát tin rằng nếu Washington đã
lên kế hoạch tấn công Bình Nhưỡng thì nước này sẽ điều động lực lượng tới gần Bán đảo Triều Tiên trong vài ngày tới, có thể là một nhóm tàu sân bay, một chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình khác cập cảng Hàn Quốc hoặc máy bay ném bom chiến lược di chuyển tới đảo Guam hay Okinawa.
Tuy nhiên, tất cả những động thái đó đều mang tính phòng thủ và đóng vai trò là một lời cảnh báo tới Bình Nhưỡng hơn là ám chỉ Mỹ sẽ tấn công. Đó là lời nhận xét của ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, hiện là Giáo sư giảng dạy tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương.
Mặc cho bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un "lời qua tiếng lại" gay gắt thách thức tấn công lãnh thổ của nhau, các nhà phân tích cho rằng vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch tấn công trước Triều Tiên hay ông Kim Jong-un sẽ làm theo lời
đe dọa tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.