Canada mắc kẹt trong cuộc 'đấu trí’ Mỹ-Trung sau vụ bắt giữ CFO Huawei

Canada có rất ít lựa chọn khi buộc phải bắt giữ nữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn Viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu. Quốc gia này có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, và khi Mỹ yêu cầu, Canada phải làm theo.

Chú thích ảnh
Phác họa phiên điều trần về việc bảo lãnh tại ngoại đối với bà Mạnh Vãn Chu tại một tòa án ở Vancouver. Ảnh: Canada Press

Tuy nhiên, dù có thích hay không thì Canada hiện cũng trở thành người chơi chủ chốt trong cuộc đấu trí nguy hiểm ngày càng căng thẳng để giành sự thống trị toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, Canada luôn chọn đứng về phía đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Canada có thể phải trả một cái giá đặt và có nguy cơ đánh mất mối quan hệ với Trung Quốc.

“Canada cần phải hành xử rất cẩn trọng. Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến, các doanh nghiệp và quan chức Mỹ, Canada ở Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm”, Lynette Ong – nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Toronto trả lời phỏng vấn báo The Global and Mail.

Trước đó, khi thông tin nữ CFO Huawei bị lực lượng an ninh Canada bắt giữ theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ với những cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, giới quan sát cho rằng rất khó để hiểu động cơ của Mỹ, đặc biệt là khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa đạt được một thỏa thuận “đình chiến” thương mại đầy khó khăn.

Gordon Houlden – Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học Alberta – nghi ngờ thời điểm xảy ra vụ bắt giữ có thể chỉ là trùng hợp. Mặc dù cơ hội bắt giữ bà Mạnh có thể xảy ra vào thời điểm không phù hợp, song không vì thế mà quan chức tư pháp Mỹ lại sẵn lòng bỏ lỡ cơ hội.

Bên cạnh đó, đơn giản phía Mỹ không thể chịu đựng được khi thấy Chính phủ Canada cho phép Huawei tham gia phát triển kỹ thuật mạng 5G tại quốc gia này.

Rõ ràng giới lãnh đạo cấp cao tại Mỹ thấy Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược cần phải kiềm chế. Vụ bắt giữ nữ Phó Chủ tịch Huawei và ngăn cản sự phát triển của công nghệ 5G chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm trong vùng nước “chủ nghĩa dân tộc”. Và Canada được cho là sẽ làm nhiệm vụ của mình để thực hiện biện pháp kiềm chế đó.

Hiện Chính phủ Trung Quốc đang rất tức giận với Canada về vụ bắt giữ. Họ yêu cầu phía Canada phải thả người ngay lập tức, không thì sẽ phải “gánh hậu quả nặng nề”. Thậm chí giữa lúc căng thẳng, Trung Quốc còn bắt giữ một trong các nhà cựu ngoại giao của Canada và không công bố cáo buộc gì.

Tuy nhiên, theo luật sư Michael Spratt từng tham gia soạn luật dẫn độ Canada, khả năng thả người khó xảy ra. Về bản chất, nếu các cáo buộc của người bị bắt bị xem là tội danh ở Canada, khả năng cao tòa án sẽ đồng ý dẫn độ. Quan trọng hơn, ưu tiên chính sách đối ngoại cao nhất của Canada là không để chính quyền Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Canada.

Chính vì vậy Canada sẽ không nghiêng về cán cân Trung Quốc trong trường hợp này. Theo lịch sử và lợi ích quốc gia, trong bất kỳ trường hợp nào, Canada sẽ luôn có mặt giúp đỡ khi Mỹ cần. Và rõ ràng Washington đang kêu gọi Canada.

Một số nhà quan sát tin rằng Mỹ và Trung Quốc đang bị kẹt trong một cuộc Chiến tranh Lạnh. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc chia sẻ lợi ích kinh tế theo cách mà Mỹ và Nga chưa bao giờ làm, những quan hệ Washington-Bắc Kinh đang ở mức rất thấp và điều này có hại cho Canada nói riêng và thế giới nói chung.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
CFO Huawei Mạnh Vãn Chu nói gì sau khi được bảo lãnh tại ngoại
CFO Huawei Mạnh Vãn Chu nói gì sau khi được bảo lãnh tại ngoại

Bà Mạnh Vãn Chu đã chia sẻ cảm xúc và nói lời cảm ơn những người đã quan tâm ngay sau khi được Tòa án tại Canada cho phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN