Các ngân hàng trung ương có thực sự “đình chiến”?

Bấy lâu nay, một cuộc chiến tiền tệ quy mô toàn cầu vẫn âm thầm diễn ra, song tại thời điểm này, cuộc chiến đó dường như đã tạm ngưng. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn đặt câu hỏi: Liệu các ngân hàng trung ương đã thực sự từ bỏ thao túng tỷ giá hối đoái để chống đỡ cho nền kinh tế hay chưa?

Theo ông Sylvain Loganadin - nhà phân tích trang mạng kinh doanh ngoại hối FXCM, cuộc chiến tiền tệ là cuộc chiến thực sự giữa các ngân hàng trung ương, vốn đang cạnh tranh để hỗ trợ lãi suất của chính họ và dự đoán xem các ngân hàng trung ương đối thủ đang làm gì.

ECB dường như đã từ bỏ chính sách lãi suất âm.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng HSBC cho biết họ tin rằng cuộc chiến tiền tệ toàn cầu này đã tạm ngưng. Do quá mệt mỏi, có vẻ như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã từ bỏ cuộc chiến, từ bỏ mục tiêu giảm giá đồng euro, thay vào đó tuyên bố các biện pháp mới để nới lỏng tiếp cận tín dụng nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế khu vực đồng euro. ECB đã tập trung nới lỏng tín dụng và thay đổi nhu cầu trong khu vực thay vì chú trọng vào chiến lược ngầm nhằm hạ giá đồng euro.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng nhận ra những hạn chế của cuộc chiến tiền tệ sau thất bại của việc áp dụng lãi suất âm để giảm giá đồng yen.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen trong bài phát biểu tuần qua cũng khiến các thị trường ngạc nhiên, dù theo một cách khác. Thay vì nhấn mạnh đến sức mạnh của công cuộc phục hồi nền kinh tế Mỹ, bà Yellen nêu bật các nguy cơ kinh tế và tài chính toàn cầu, với đồng USD giảm giá trong khi lãi suất có khả năng không tăng nhiều trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế của Barclays thậm chí còn cho rằng các động thái của ECB và FED, sau sự khởi đầu không thuận lợi của năm 2016, có thể cho thấy khả năng đạt được một "thỏa thuận ngầm" giữa các nhà hoạch định chính sách. Theo HSBC, việc đồng euro biến động trong phạm vi hẹp so với đồng USD đồng nghĩa rằng một số chủ thể tham gia thị trường hiện nhận thấy sự phối hợp lớn hơn trong chính sách của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Julian Jessop của Capital Economics cho rằng nếu có một thỏa thuận được đưa ra, “tại sao nó lại phải bí mật?” Ông nói: “Nếu các nhà hoạch định chính sách thực sự nghĩ rằng tỷ giá hối đoái đã đi quá giới hạn các quy tắc kinh tế cơ bản và rằng một đồng USD mạnh đang trở thành vấn đề lớn, tại sao họ không nói ra?”. Ông nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách đã công khai nói về các nguy cơ khác của nền kinh tế toàn cầu và sự can thiệp bằng lời đã là quá đủ để khiến đồng USD hạ giá.

Hơn nữa, sự phối hợp chính sách là khá phức tạp bởi hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất của các ngân hàng trung ương không tương đồng bởi BoJ, ECB và FED đều muốn đồng nội tệ của họ có giá trị thấp hơn phía còn lại. Nhà phân tích thị trường Jasper Lawler của Công ty tài chính CMC Markets nói: “Mục đích của việc hạ giá đồng nội tệ là để thúc đẩy xuất khẩu nhằm bù đắp cho tăng trưởng giảm sút và gia tăng lạm phát thông qua tăng giá xuất khẩu”.

Do tác động tỷ giá hối đoái là biện pháp dễ dàng mà các ngân hàng trung ương có thể làm để đạt được các mục tiêu chính sách, nên họ sẽ khó cưỡng nổi việc sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên, nhà phân tích Loganadin nhấn mạnh rằng kết quả sẽ không thực sự đáng mong đợi. Ông nói: “Nếu tiền tệ không được các ngân hàng trung ương kiểm soát nữa, thị trường sẽ diễn biến tương tự như thị trường tiền ảo Bitcoin, trong đó xảy ra tình trạng đầu cơ mạnh, rồi tình trạng bong bóng, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế thực là tình trạng siêu lạm phát và giảm phát”.

Dù vậy, khả năng “đình chiến” trong cuộc chiến tiền tệ sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia vẫn đang kiểm soát đồng nội tệ của họ. Chuyên gia Loganadin nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc “có xu hướng tự đi theo con đường riêng và áp dụng các biện pháp bất ngờ” mà sẽ có tác động đến Mỹ và châu Âu.
TTK
Thư mật lộ khó khăn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc
Thư mật lộ khó khăn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc

Một bức thư mật của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) gửi các ngân hàng thương mại mới đây đã cho thấy sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu nới lỏng tiền tệ và bảo vệ giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) của giới chức Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN