Các đảng chống nhập cư và Hồi giáo nổi lên trong bầu cử Áo

Ngày 15/10, hơn 8,7 triệu cử tri Áo tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở nước này.

Ông Heinz-Christian Strache (giữa), Chủ tịch Đảng FPO cực hữu, đảng có khả năng sẽ trở thành đối tác liên minh trong chính phủ sắp tới của Áo. Ảnh: AFP

Sự trỗi dậy của phe cực hữu

Theo tờ ExpressSunday (Anh), kết quả cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, đảng Nhân dân Áo (OVP) theo đường lối trung dung đang dẫn đầu với 33% số người ủng hộ. Đảng Tự do Áo (FPO) có tư tưởng cực hữu xếp vị trí thứ hai với 27% và ở vị trí thứ 3 là đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPO) của đương kim Thủ tướng Christian Kern với 23% số người ủng hộ. Tuy nhiên, việc ông Kern tuyên bố khả năng sẽ không liên minh với OVP trong chính phủ sắp tới và trở thành đảng đối lập nếu thất cử, đã mở đường cho FPO trở thành đối tác liên minh trong chính phủ mới tại Áo.

Dự báo trong Quý IV/2017 của Stratfor cho rằng cuộc bầu cử tại Áo sẽ chứng kiến sự nổi lên của phe cực hữu, đặc biệt là FPO và giống như kịch bản mà các đảng trung hữu của Đức phải đối mặt, sự bất mãn chung đối với liên minh trung hữu đã dẫn đến việc tăng cường ủng hộ cho các đảng cực hữu. Theo Stratfor, người dân Áo đã thay đổi quan điểm từ một quốc gia mở cửa cho người nhập cư - kể cả đối với các quốc gia Hồi giáo, với số lượng lớn những người xin tị nạn năm 2015 và 2016 - trở thành quốc gia dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho đảng chống lại người nhập cư, chống Hồi giáo.

Không giống như đảng AfD ở Đức mới thành lập năm 2013, FPO đã có góp phần định hình chính trị Áo từ những năm 1980. Đảng này đã thâm nhập sâu vào đời sống chính trị Áo hơn bất kỳ đảng cực đoan nào khác kể từ thời Đức Quốc xã. Việc liên minh cầm quyền SPO-OVP tại Áo hồi đầu tháng 10 này thông qua một "lệnh cấm burka" (loại khăn choàng che toàn bộ khuôn mặt của phụ nữ Hồi giáo) - dù hầu như không có người Hồi giáo nào ở Áo mang chúng - là minh chứng cho thấy sự quay trở lại của lực lượng chính trị cực hữu ở Áo, sự nổi lên của SPO và sự bất mãn của một số tầng lớp trong xã hội Áo.

Nguyên nhân một phần là vì truyền thông Áo thường xuyên cảnh báo về “chi phí tị nạn ngày càng gia tăng, những kẻ hiếp dâm người Hồi giáo và các cuộc tấn công (khủng bố) sắp xảy ra". Sự cực đoan hóa giữa những người Hồi giáo trẻ ở Áo cũng là một mối quan ngại – có khoảng 300 công dân Áo tham chiến cùng các chiến binh Hồi giáo ở Syria và Iraq. Theo AP, gần 1/3 người Áo cho biết họ không muốn sống chung với người Hồi giáo - con số cao hơn Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Anh.

Trong khi đó, các đảng phái chính trị đang lợi dụng tâm lý lo sợ trên để thu hút sự ủng hộ của cử tri tại Áo. Sebastian Kurz, lãnh đạo của OVP đã vận động các nước láng giềng đóng cửa tuyến Balkan ở phía Tây nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, muốn cắt giảm phúc lợi đối với người di cư và đóng cửa tất cả các trường mầm non Hồi giáo. OVP ủng hộ việc cấm các khoản tín dụng của nước ngoài chuyển cho các đền thờ Hồi giáo ở nước này và ủng hộ luật cấm che mặt đối với người Hồi giáo.

Đảng FPO cũng tuyên bố rằng "Hồi giáo không có chỗ ở Áo" và cam kết sẽ chuyển Bộ Hội nhập thành Cơ quan “Bảo vệ quốc gia và văn hóa Áo”. Theo AP, hơn 70% người Áo được hỏi cho biết họ ủng hộ luật burka và sẽ bỏ phiếu cho hai Đảng có quan điểm chống Hồi giáo – OVP và FPO. Điều này đã giúp OVP dẫn đầu, trong khi FPO hiện đang cạnh tranh vị trí thứ hai cùngvới SPO trong cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử ngày 15/10.

Tác động với châu Âu

Cuộc bầu cử ở Áo đã đặt ra một mối lo ngại đối với Liên minh châu Âu (EU), khi các đảng dân túy, cực hữu đang nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn cử tri trong các cuộc thăm dò và khả năng sẽ có ghế trong quốc hội Áo sắp tới.

Đây được coi là tin xấu đối với EU vì ngay cả người đứng đầu Chính phủ Áo Christian Kern cũng cảnh báo khối này cần phải cải cách sâu rộng. Ông Kern cho rằng EU cần phải tiến hành những cải cách lớn sau khi các đảng dân túy dành được những thắng lợi lớn tại các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan và Đức. Ông cũng công bố kế hoạch cho một "công ước chung" về vai trò của Áo tại EU, theo đó EU sẽ phải trả lời "những câu hỏi lớn trong tương lai" của khối này và ông kêu gọi xây dựng một EU có “hai tốc độ”.

Trong khi đó ông Kurz, lãnh đạo Đảng OVP đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, đã không loại trừ khả năng liên minh với Đảng FPO có quan điểm chống nhập cư. Ông cũng bày tỏ mối quan ngại về kế hoạch thực hiện ngân sách khu vực đồng euro và cho biết EU phải tập trung vào "an ninh và đóng cửa biên giới". Bộ trưởng Ngoại giao Kurz tuyên bố sẽ cải tổ Chính phủ Áo và hạn chế người nhập cư. Ông có kế hoạch cắt giảm phúc lợi cho người di cư, kể cả những người thuộc khối EU. Ông nói: “Cuộc bầu cử ở Áo ngày 15/10 là cơ hội để thay đổi”.

Stratfor cho rằng một chính phủ mới tại Áo với sự tham gia của FPO có khả năng sẽ khiến mối quan hệ giữa nước này và EU thêm căng thẳng. Mặc dù chủ đề về tư cách thành viên EU hầu như không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của đảng này (chủ yếu tập trung vào vấn đề nhập cư), FPO đã ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Áo trong quá khứ. Và FPO có thể sử dụng tư cách thành viên trong liên minh cầm quyền để phản đối sự hội nhập ngày càng tăng của châu Âu và yêu cầu có thêm một số quyền lực. Dù cuộc bầu cử Áo không quan trọng đối với tương lai của EU bằng các cuộc bầu ở Đức và Pháp, nhưng nó sẽ chứng tỏ rằng quan điểm dân tộc chủ nghĩa vẫn còn tồn tại trong EU.

Chuyên gia Heather Grabbe, thuộc Viện Chính sách Xã hội Mở của EU, cho rằng EU sẽ khó có thể hoạt động nếu Áo trở thành một phần của nhóm Visegrad vốn đổ lỗi cho EU về mọi chuyện và từ chối thực hiện các hạn ngạch phân bổ người nhập cư.

Trong khi đó, FPO - có thể là một đối tác trong liên minh cầm quyền tiếp theo của Áo - muốn Áo gia nhập Nhóm Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia), có tư tưởng phản đối việc nhập cư và muốn có một EU được phân quyền hơn. Heinz-Christian Strache, chủ tịch Đảng FPO, từng tuyên bố: "Chúng ta sẽ tăng cường tiếp xúc với các quốc gia Visegrad và sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể trở thành một thành viên của nhóm này".

Công Thuận (P/v TTXVN tại Séc)
Venezuela tin tưởng bầu cử địa phương sẽ mở đường cho đối thoại chính trị
Venezuela tin tưởng bầu cử địa phương sẽ mở đường cho đối thoại chính trị

Ngày 13/10, Đại sứ Venezuela tại Liên hợp quốc Jorge Valero khẳng định, cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào ngày 15/10 tại quốc gia Nam Mỹ sẽ mở đường cho đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN