Theo tờ Wall Street Journal, áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về những quyết định cứng rắn có thể gây căng thẳng cho liên minh của ông và ảnh hưởng đến việc quản lý cuộc chiến kéo dài gần sáu tháng của Israel với Hamas ở Gaza.
Các cuộc biểu tình của gia đình những con tin Israel bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái vào miền Nam Israel ngày càng trở nên gay gắt hơn, khi sự thất vọng ngày càng gia tăng về việc thiếu một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để có thể giải thoát những con tin còn lại.
Cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở các thành phố của Israel vào cuối tuần qua. Các gia đình và những người ủng hộ họ, những người nhìn chung vẫn không theo đảng phái nào, đã đưa ra một quyết định hiếm hoi là tham gia biểu tình chống chính phủ ở Tel Aviv để kêu gọi một thỏa thuận. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một số người biểu tình và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.
Hãng tin AP cho biết, hàng chục nghìn người Israel đã tập trung ở trung tâm Jerusalem hôm 31/3 trong cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ khi nước này rơi vào chiến tranh với Hamas. Người biểu tình kêu gọi chính phủ đạt được thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza và tổ chức bầu cử sớm.
Xã hội Israel đã đoàn kết rộng rãi ngay sau ngày 7/10 năm ngoái, nhưng gần sáu tháng xung đột đã làm gia tăng sự chia rẽ về khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu. Ông Netanyahu đã cam kết sẽ tiêu diệt Hamas và đưa tất cả các con tin về nhà, tuy nhiên những mục tiêu đó vẫn xa vời. Dù Hamas bị tổn thất nặng nề nhưng nhóm này vẫn tiếp tục kháng cự.
Khoảng một nửa số con tin ở Gaza đã được thả trong thời gian ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế nhằm giải thoát số con tin còn lại đã thất bại. Các cuộc đàm phán tiếp tục vào 31/3 mà không có dấu hiệu nào cho thấy một bước đột phá sắp xảy ra.
Gia đình các con tin cho rằng thời gian không còn nhiều và họ ngày càng lên tiếng bày tỏ sự bất mãn với ông Netanyahu. Những người biểu tình đổ lỗi cho ông Netanyahu về những thất bại của ngày 7/10 và nói rằng sự chia rẽ chính trị sâu sắc về nỗ lực cải tổ tư pháp của thủ tướng vào năm ngoái đã làm suy yếu Israel trước cuộc tấn công. Một số cáo buộc ông làm tổn hại mối quan hệ với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel.
Thủ tướng Netanyahu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng đang dần được đưa ra tòa án và các nhà phê bình cho rằng các quyết định của ông dường như tập trung vào sự sống còn chính trị thay vì lợi ích quốc gia. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ đối với Thủ tướng Netanyahu và liên minh của ông đang tụt xa so với các đối thủ nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm này.
Trừ khi liên minh cầm quyền Israel tan rã sớm hơn, nếu không Thủ tướng Netanyahu sẽ không phải tiến hành bầu cử cho đến mùa xuân năm 2026. Thủ tướng Netanyahu, trong một bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc, cho biết ông hiểu nỗi đau của các gia đình. Tuy nhiên, việc kêu gọi các cuộc bầu cử mới sẽ làm tê liệt Israel trong sáu đến tám tháng và làm đình trệ các cuộc đàm phán về con tin.
Trong bài phát biểu, ông Netanyahu cũng lặp lại cam kết một cuộc tấn công quân sự trên bộ ở Rafah, thành phố phía nam Gaza, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân ở vùng lãnh thổ hiện đang trú ẩn sau khi di tản do chiến sự ở nơi khác. Ông Netanyahu nói: “Không có chiến thắng nếu không tiến vào Rafah”, đồng thời cho biết thêm rằng áp lực của Mỹ sẽ không ngăn cản được quyết tâm này.
Trong khi đó, theo Wall Street Journal, cuộc tranh luận về nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên theo Chính thống giáo cực đoan đang lên đến đỉnh điểm ở Israel. Các cuộc khủng hoảng chính trị đồng thời đang thử thách kỹ năng chính trị của ông Netanyahu. Thủ tướng Netanyahu có thể mất phe cực hữu trong liên minh của mình nếu đồng ý thỏa thuận con tin để thả các tù nhân Palestine đã sát hại người Israel.
Mặt khác, việc củng cố quyền miễn trừ quân sự đối với những người theo Chính thống cực đoan hoặc không đạt được thỏa thuận đưa con tin về nước có thể làm suy yếu ảnh hưởng của ông đối với các thành viên khác trong liên minh của mình.
Yohanan Plesner, Chủ tịch Viện Dân chủ Israel có trụ sở tại Jerusalem, nói về tình thế tiến thoái lưỡng nan về nghĩa vụ quân sự: “Chính phủ buộc phải đưa ra quyết định và điều đó khiến ông Netanyahu gặp khó khăn hơn”.
Trước đó trên mặt trận ngoại giao, Israel đã phải chịu thất bại quốc tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016, khi Mỹ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Mỹ từng bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an năm 2016 lên án hoạt động định cư của Israel.
Cuộc bỏ phiếu trên đã làm căng thẳng mối quan hệ của Israel với Mỹ, nước ủng hộ chính của Tel Aviv vốn ngăn cản Hội đồng Bảo an, cũng như châu Âu và hầu hết phần còn lại của cộng đồng quốc tế, yêu cầu ngừng bắn trong 6 tháng qua.
Cựu quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Israel Alon Liel nói: “Mối quan hệ song phương (với Mỹ) đã bị giáng một đòn nghiêm trọng”. Ông cho biết điều này cũng đúng với châu Âu khi các thành viên Hội đồng Bảo an ở châu Âu bỏ phiếu ủng hộ lệnh ngừng bắn.
Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và nhà đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ, lưu ý thêm: “Không còn nghi ngờ gì nữa: Mỹ đang báo hiệu cho Thủ tướng Israel rằng không nên phớt lờ cảnh báo của họ".
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield gây tranh cãi khi cố gắng xoa dịu Israel bằng cách tuyên bố nghị quyết này là “không ràng buộc”, mặc dù các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng khi làm như vậy, bà Thomas-Greenfield cũng đang tìm cách tạo ra một vùng đệm chống lại áp lực có thể xảy ra đối với Mỹ trong việc trừng phạt Israel nếu nước này từ chối tuân thủ nghị quyết.