Kết quả trên đạt được sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao đáng ghi nhận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif, kể từ sau khi các cuộc Đối thoại cấp Bí thư Đối ngoại hai nước bị chấm dứt hồi tháng 8/2014 cũng như căng thẳng trong quan hệ liên quan tới các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Jammu - Kashmir, các cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) hỗ trợ và chỉ thị cho các nhóm khủng bố ẩn náu tại nước này (LeT, JeM...) chống Ấn Độ.
Thủ tướng Pakistan (trái) và Thủ tướng Ấn Độ bắt tay trong cuộc gặp tại Ufa, Nga hồi tháng 7/2015. |
Sau hai cuộc gặp quan trọng của Thủ tướng hai nước bên lề Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO - 15) tại Ufa (Nga) hồi tháng 7/2015 và Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP - 21) tại Paris tháng trước, ngày 6/12/2015, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ và Pakistan đã có cuộc hội đàm bất ngờ kéo dài 4 giờ tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Tại buổi hội đàm, Cố vấn An ninh Quốc gia hai nước cam kết nối lại các cuộc đàm phán ở các cấp độ khác nhau để cùng thảo luận về tất cả các vấn đề từ an ninh, khủng bố cho đến các tranh chấp tại khu vực Jammu - Kashmir cũng như tìm kiếm các biện pháp duy trì hòa bình dọc LoC, giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
Ngay sau cuộc gặp cấp Cố vấn An ninh Quốc gia (ANQG), Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 8/12 đã có chuyến thăm lịch sử tới Pakistan và tham dự Hội nghị Trái tim châu Á lần thứ 5 bàn về tình hình an ninh Afghnistan. Trong chuyến thăm, bà Swaraj đã gặp Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và hội đàm với Cố vấn Đối ngoại và An ninh Sartaj Aziz. Kết thúc hội đàm, Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán, thúc đẩy cơ chế đối thoại toàn diện.
Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm cũng lên án chủ nghĩa khủng bố và khẳng định quyết tâm của hai nước trong hợp tác loại bỏ chủ nghĩa khủng bố; quyết định hai cố vấn an ninh quốc gia sẽ tiếp tục giải quyết tất cả mọi vấn đề liên quan đến khủng bố; giao cho bí thư đối ngoại hai nước thảo luận và lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán theo 10 điểm nêu trên. Phát biểu trước Quốc hội Pakistan ngày 11/12, Cố vấn của Thủ tướng Pakistan về đối ngoại và an ninh Sartaj Aziz cho biết bí thư đối ngoại hai nước sẽ họp vào tháng tới để thảo luận chi tiết về cuộc đối thoại song phương toàn diện. Ông Aziz cũng cho biết vấn đề chủ nghĩa khủng bố sẽ được cCố vấn an ninh quốc gia hai nước thảo luận như là một phần của cuộc đối thoại toàn diện song phương.
Sự phát triển mới của mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan được dư luận báo chí Ấn Độ và quốc tế quan tâm theo dõi, phân tích và bình luận với đa số cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực và mở ra cơ hội để Ấn Độ và Pakistan cải thiện quan hệ song phương và điều này có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực Nam Á.
Nhà phân tích quốc phòng Qamar Agha bình luận sự tan băng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan xuất hiện vào mùa đông với hành trình uốn lượn quanh co từ Ufa (Nga) - Paris (Pháp) - Bangkok (Thái Lan) cho đến Islamabad (Pakistan) tạo động lực mới cho Ấn Độ và Pakistan nối lại các cuộc đàm phán cũng như mở đường cho chuyến thăm Islamabad của Thủ tướng Modi.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng những bước phát triển này mang tính đột phá và có ý nghĩa quan trọng khi hai bên đã loại bỏ các điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán và nhất trí đối thoại toàn diện về tất cả các vấn đề, ở các cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên, do các mâu thuẫn lịch sử, tranh chấp biên giới lãnh thổ, sự cạnh tranh vai trò và ảnh hưởng chiến lược trong khu vực, cuộc đối thoại toàn diện để cải thiện mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức và đòi hỏi nỗ lực và ý chí chính trị của chính phủ hai nước trong việc tăng cường thiết lập các cơ chế đối thoại song phương, kể cả cấp thượng đỉnh, tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, từng bước thiết lập các thỏa thuận mang tính ràng buộc để xử lý các bất đồng, tranh chấp, nhất là vấn đề biên giới lãnh thổ và hợp tác chống khủng bố. Bên cạnh đó, hai bên cần có sự nhượng bộ lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại, tránh lâm vào tình trạng “thiếu lòng tin, thừa nghi kỵ” trong quan hệ song phương.