Bước ngoặt lịch sử trên bàn cờ chính trị Mỹ Latinh

Lần đầu tiên trong lịch sử Colombia, một đại diện của lực lượng cánh tả đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, chấm dứt hơn 200 năm nắm quyền của các đảng bảo thủ hữu khuynh truyền thống.

Đây có thể coi là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt không chỉ đối với đời sống chính trị-xã hội tại Colombia mà còn cả với bàn cờ chính trị khu vực Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Ông Gustavo Petro tại lễ nhậm chức Thị trưởng thủ đô Bogota, Colombia, ngày 1/1/2012. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Với gần 11,3 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 50,44%, ứng cử viên của liên minh cánh tả Pacto Historico (Hiệp ước Lịch sử) Gustavo Petro đã vượt qua ứng cử viên độc lập Rodolfo Hernandez trong cuộc bầu cử vòng hai diễn ra ngày 19/6 và sẽ trở thành người kế nhiệm Tổng thống Ivan Duque trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Chiến thắng của liên minh Pacto Historico cho thấy khát khao thay đổi của một bộ phận lớn người dân Colombia khi nhiều năm qua, đời sống của tầng lớp yếu thế trong xã hội không được chú trọng, tỷ lệ người nghèo đã lên tới 39% vào năm 2021, tình trạng bạo lực luôn là nỗi ám ảnh trong khi tệ nạn buôn bán ma túy và tham nhũng vẫn không suy giảm.

Trong bối cảnh đó, những cam kết thay đổi triệt để trên nhiều lĩnh vực đời sống chính trị-xã hội mà Tổng thống đắc cử Petro đưa ra trong quá trình tranh cử dường như đã tạo được niềm tin cho người dân Colombia về một đất nước công bằng và phát triển hơn. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử, chính trị gia này khẳng định sẽ thực hiện chương trình cải tổ hệ thống thuế nhằm bổ sung thêm cho ngân sách quốc gia khoảng 13,5 tỷ USD, tương đương với 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), qua đó giúp tăng chi tiêu và đầu tư vào các dự án xã hội. Cùng với đó, ông cũng nhắm tới việc cải cách hệ thống lương hưu, bảo đảm giáo dục công miễn phí, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như chấm dứt các hợp đồng khai thác dầu khí mới để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Petro. Nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn để có thể hoàn thành được những cam kết tranh cử trong bối cảnh liên minh Pacto Historico không có được đa số ghế tại quốc hội và chắc chắn ông Petro sẽ phải có những nhượng bộ nhất định khi đàm phán liên kết với một số đảng phái nhỏ khác tại cơ quan lập pháp.

Chuyên gia chính trị Jorge Iván Cuervo Restrepo thuộc trường Đại học Bogotá cho rằng ông Petro được lựa chọn trên cơ sở những ý tưởng thay đổi quan trọng trong nhiều vấn đề cốt lõi của xã hội Colombia, song nhà lãnh đạo này cần phải sớm đưa ra được một kế hoạch cụ thể của chính phủ ngay trong giai đoạn đầu tiên lên nắm quyền và chứng minh được khả năng cụ thể hóa chương trình này. Nguyên nhân vì phe đối lập và cả những người ủng hộ sẽ không đợi quá lâu để đưa ra phản ứng nếu những cam kết vẫn chỉ là lời nói, như đã từng xảy ra trong quá khứ với các chính phủ tiền nhiệm.

Một trong những vấn đề quan trọng khác mà chính phủ của Tổng thống đắc cử Petro sẽ phải sớm giải quyết là những tồn tại trong triển khai thỏa thuận hòa bình đã ký kết với tổ chức Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) năm 2016, sự kiện từng được dư luận kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới cho đất nước vốn chìm đắm trong xung đột suốt nửa thế kỷ. Tuy nhiên, việc chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Ivan Duque không tuân thủ triệt để những cam kết đã khiến cho một bộ phận của FARC cầm vũ khí trở lại và tiếp tục con đường đấu tranh vũ trang, dẫn tới tình hình bạo lực tại quốc gia Nam Mỹ này trong 4 năm qua vẫn diễn biến phức tạp, gây chia rẽ trong dư luận xã hội. Cùng với đó là nhiệm vụ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với một nhóm vũ trang khác là Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), vốn bị đình trệ sau khi ông Duque lên nắm quyền. Người dân Colombia hy vọng chính quyền mới sẽ đem lại hòa bình thực sự cho đất nước trong những năm tới.

Ở một khía cạnh khác, thắng lợi vang dội của ông Petro tại Colombia cũng mang một ý nghĩa lớn đối với phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh khi mà “làn sóng hồng” đang quay trở lại khu vực này sau một thời gian rơi vào suy thoái. Tổng thống Argentina Alberto Fernandez tuyên bố Mỹ Latinh “cần tới chiến thắng của ứng cử viên cánh tả Gustavo Petro trong cuộc bầu cử tại Colombia” và đây chính là một mắt xích còn thiếu để củng cố tình đoàn kết trong khu vực, mở ra một giai đoạn hội nhập, hợp tác và phát triển mới vì lợi ích của người dân mỗi nước.

Trong nhiều năm qua, Colombia luôn được coi là một “tiền đồn” của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Các chính phủ trước đây ở Colombia luôn có mối quan hệ chặt chẽ và tạo thuận lợi cho Washington thực thi các chiến lược gây ảnh hưởng tới bản đồ địa chính trị ở khu vực. Ngay cả khi phong trào cánh tả Mỹ Latinh ở giai đoạn thịnh vượng nhất vào đầu những năm 2000 thì Colombia vẫn là một ngoại lệ và đóng một vai trò tích cực cho sự hiện diện của Mỹ tại nơi vẫn được coi là “sân sau” của Washington.

Chính vì lẽ đó, việc một đại diện cánh tả lên nắm quyền ở Colombia được cho sẽ mở ra một giai đoạn mới của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh. Cựu Ngoại trưởng Colombia Ricardo Patiño khẳng định chiến thắng của ông Petro sẽ tạo cơ hội thúc đẩy trở lại tiến trình hội nhập, giúp cho Mỹ Latinh có thể thảo luận và đàm phán một cách công bằng với Mỹ về các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại và phát triển. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Petro cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để tạo ra một mối quan hệ cân bằng hơn.

Trước thắng lợi của ông Petro, việc các phong trào cánh tả và tiến bộ lần lượt quay trở lại nắm quyền tại một loạt quốc gia Mỹ Latinh như Chile, Peru, Bolivia, Argentina, Mexico và Honduras trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy sự thất vọng của người dân đối với các tầng lớp chính trị truyền thống khi họ không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dân, đặc biệt là những tầng lớp thấp trong xã hội. Những thách thức kinh tế và bất bình đẳng xã hội đã mở ra một thời kỳ mới cho các phong trào tiến bộ vốn luôn nhắm tới lợi ích của đại bộ phận dân chúng.

Làn sóng cánh tả ở Mỹ Latinh lần này cũng được đánh giá là có sự khác biệt so với những năm đầu của thế kỷ 21. Giờ đây các nhà lãnh đạo cánh tả đã có những góc nhìn thực tế hơn và không chỉ đấu tranh về ý thức hệ mà còn chú trọng tới các vấn đề khác trong xã hội như môi trường, nữ quyền...

Cách đây hai thập niên, các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh chủ yếu dựa vào giá nguyên, nhiêu liệu cao để thúc đẩy các chính sách chi tiêu mở rộng, song kịch bản giờ đây đã khác nhiều khi tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực không còn ở mức cao, đặc biệt sau hơn 2 năm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh phải chú trọng hơn trong việc giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tăng cường sản xuất trong nước nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững hơn.

Có thể thấy, chiến thắng lần đầu tiên trong lịch sử của một đại diện cánh tả tại Colombia đã trở thành động lực và nguồn cổ vũ lớn đối với những khát vọng đổi thay tại một trong những quốc gia bất bình đẳng hàng đầu khu vực. Dư luận hy vọng Tổng thống đắc cử Gustavo Petro sẽ thực hiện được những cam kết với người dân, đáp ứng những đòi hỏi về một xã hội Colombia công bằng và phát triển bền vững, thúc đẩy xu hướng đoàn kết và hội nhập ở Mỹ Latinh.

Hoài Nam (Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh)
Colombia lần đầu có Phó Tổng thống nữ da mầu
Colombia lần đầu có Phó Tổng thống nữ da mầu

Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước Colombia có một Phó Tổng thống là phụ nữ da mầu sau khi bà Francia Marquez liên danh với ông Gustavo Petro đại diện cho liên minh cánh tả Pacto Historico (Hiệp ước Lịch sử) và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 19/6 với 50,4% số phiếu bầu ủng hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN