Bước đi để lộ thay đổi về chiến lược quân sự của Nga trong xung đột ở Ukraine

Sự trở lại của xe bọc thép chở quân BTR-50 thời Liên Xô cũ ở Ukraine là một lời nhắc nhở rõ ràng về những khó khăn mà quân đội Liên bang Nga đang đối mặt trong cuộc xung đột kéo dài với Kiev, đồng thời cho thấy tính chất chiến tranh đã thay đổi.

Chú thích ảnh
Xe bọc thép chở quân BTR-50 thời Liên Xô được quân đội Liên bang Nga nâng cấp và triển khai tại Ukraine, với giáp lồng dây được bổ sung để tăng cường khả năng bảo vệ trước vũ khí chống tăng và giáp trên để phòng thủ trước các mối đe dọa từ thiết bị bay không người lái. Ảnh: Mạng xã hội Nga

Những hình ảnh gần đây lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội của Liên bang Nga đã thu hút sự chú ý đến việc triển khai xe bọc thép chở quân (APC) BTR-50 từ thời Liên Xô ở Ukraine, đã cho thấy rõ những thách thức mà quân đội Moskva đang phải đối mặt trong cuộc xung đột với Kiev. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược sử dụng xe bọc thép của quân đội Liên bang Nga, khi họ cố gắng bổ sung lực lượng sau những tổn thất nặng nề của các phương tiện bọc thép hiện đại trên chiến trường.

BTR-50 được thiết kế từ những năm 1950 để làm nhiệm vụ của một xe bọc thép chở quân bánh xích và lội nước, từ lâu đã bị hầu hết các quân đội hiện đại loại bỏ. Tuy nhiên, sự tái xuất hiện của phương tiện này ở chiến trường Ukraine nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng trên chiến trường Ukraine hiện nay mà quân đội Liên bang Nga đang phải đối mặt, đó là việc họ bị mất nhiều xe tăng và xe bọc thép chở quân hiện đại kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Đặc điểm của BTR-50

BTR-50 là một xe bọc thép chở quân bánh xích và lội nước, lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong quân đội Liên Xô vào đầu những năm 1950. Dựa trên khung gầm của xe tăng hạng nhẹ lội nước PT-76, xe bọc thép BTR-50 được thiết kế để vận chuyển bộ binh trong nhiều môi trường chiến đấu khác nhau, bao gồm tấn công lội nước, chiến tranh đô thị và địa hình rừng rậm.

Thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả của BTR-50 cho phép chiếc xe bọc thép chở quân này hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, mặc dù theo tiêu chuẩn ngày nay, nó thiếu nhiều tính năng hiện đại như giáp bảo vệ tiên tiến và hệ thống liên lạc hiện đại.

Được trang bị động cơ diesel công suất 240 mã lực, BTR-50 có thể đạt tốc độ tối đa 45 km/h và có tầm hoạt động khoảng 500 km. Tùy thuộc vào cấu hình, BTR-50 có thể được trang bị súng máy hạng nặng KPVT 14,5mm hoặc súng máy PKT 7,62mm. Vai trò chính của BTR-50 là vận chuyển binh lính ra vào chiến trường, đồng thời cung cấp sự bảo vệ hạn chế trước hỏa lực vũ khí nhỏ và mảnh đạn.

Mặc dù phần lớn các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã loại bỏ BTR-50 khỏi biên chế, nhưng loại xe bọc thép chở quân này vẫn còn được sử dụng trong một số đơn vị dự bị, đặc biệt ở những khu vực không có sẵn hoặc không đủ khả năng sở hữu các phương tiện hiện đại hơn.

Chú thích ảnh
Lực lượng Hệ thống không người lái của Ukraine đang lắp đặt một thiết bị bay không người lái. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Những cải tiến của xe bọc thép chở quân BTR-50

Những hình ảnh mới xuất hiện cho thấy các lực lượng của Liên bang Nga đang thực hiện các cải tiến trên BTR-50 nhằm tăng khả năng sống sót trước các mối đe dọa hiện đại trên chiến trường, đặc biệt là nguy cơ ngày càng tăng từ thiết bị bay không người lái (UAV, drone) và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Một trong những cải tiến dễ nhận thấy nhất là việc bổ sung giáp lồng (wire cage armor) quanh thân xe. Giáp lồng là một giải pháp chi phí thấp nhưng hiệu quả, đã được sử dụng rộng rãi trong các khu vực xung đột như Iraq và Syria để chống lại đầu đạn lượng nổ lõm (nhằm tập trung năng lượng vào một điểm) từ súng phóng lựu (RPG) và và tên lửa chống tăng có điều khiển. Giáp này hoạt động bằng cách kích nổ đầu đạn ở khoảng cách xa khỏi lớp giáp chính của xe, từ đó giảm hiệu quả của đầu đạn. Mặc dù không thể cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn trước tất cả các mối đe dọa chống giáp, nhưng giáp lồng cải thiện đáng kể khả năng sống sót của phương tiện khi bị loại đạn này bắn trúng.

Ngoài ra, các xe BTR-50 trong hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội của Liên bang Nga còn được trang bị lớp bảo vệ bổ sung trên nóc xe, có khả năng nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái, loại vũ khí nổi bật trên chiến trường hiện đại, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các phương tiện bọc thép, thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Lớp giáp trên nóc xe có thể được thiết kế để ngăn thiết bị bay không người lái gây ra tổn thất lớn, đồng thời bảo vệ trước các thiết bị nổ cỡ nhỏ được thả từ trên không.

Ý nghĩa của việc triển khai xe bọc thép chở quân BTR-50

Việc sử dụng BTR-50 trên chiến rường Ukraine cho thấy sự căng thẳng mà quân đội Liên bang Nga đang phải chịu do mất mát đáng kể các phương tiện bọc thép hiện đại hơn. Trong suốt cuộc xung đột, Liên bang Nga đã mất hàng trăm phương tiện bọc thép tiên tiến, bao gồm các loại xe tăng chiến đấu chủ lực như T-90 và T-80, cũng như các xe bọc thép chở quân hiện đại như BTR-82 và BMP-3.

Nhu cầu triển khai các phương tiện cũ như BTR-50 có thể phản ánh những khó khăn trong việc duy trì và thay thế các phương tiện tiên tiến này, đặc biệt khi xét đến mức độ thiệt hại do vũ khí chống tăng và thiết bị bay không người lái của Ukraine gây ra.

Sự tái xuất hiện của BTR-50 cũng cho thấy tính chất thay đổi của chiến tranh, nơi mà ngay cả các phương tiện từ hàng thập kỷ trước cũng phải được nâng cấp để tiếp tục hoạt động. Các cải tiến như giáp lồng và hệ thống chống thiết bị bay không người lái có thể giúp BTR-50 đảm nhiệm các vai trò hỗ trợ, mặc dù khả năng chống chịu trước các vũ khí chống tăng tiên tiến vẫn là một điểm yếu lớn.

Xem video thiết bị bay không người lái của Lữ đoàn tấn công số 3 thuộc quân đội Ukraine tấn công phá huỷ xe tăng T-72, T-80, và T-64 cùng xe bọc thép BMP-2 và BMP-1. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine/X

Kết luận

Việc triển khai BTR-50 được cải tiến không phải là yếu tố thay đổi cục diện, nhưng nó phản ánh sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Liên bang Nga. Bằng cách dựa vào các nền tảng cũ hơn như BTR-50, Liên bang Nga có thể buộc phải giảm quy mô các hoạt động tấn công hoặc điều chỉnh chiến thuật để phù hợp với khả năng hạn chế của các phương tiện lỗi thời này.

Đối với các lực lượng của Ukraine, sự xuất hiện của các phương tiện cũ như BTR-50 vừa là cơ hội vừa là thách thức. Một mặt, thiếu giáp bảo vệ và hỏa lực hiện đại khiến BTR-50 trở thành mục tiêu dễ dàng cho các vũ khí chống tăng tiên tiến. Mặt khác, sự hiện diện của những phương tiện này cho thấy các lực lượng của Liên bang Nga có thể đang điều chỉnh chiến thuật và dựa nhiều hơn vào các giải pháp công nghệ thấp để hỗ trợ các hoạt động của họ.

Sự trở lại của BTR-50 ở Ukraine là một lời nhắc nhở rõ ràng về những khó khăn mà quân đội Liên bang Nga đang đối mặt trong cuộc xung đột kéo dài với Ukraine. Mặc dù các cải tiến trên phương tiện này có thể nâng cao hiệu quả trong một số tình huống, nhưng việc sử dụng chúng cũng nhấn mạnh những hạn chế về nguồn lực mà Moskva đang phải đối mặt.

Khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, cả hai bên có khả năng sẽ tiếp tục thích nghi và đổi mới, sử dụng bất kỳ nguồn lực nào sẵn có để giành lợi thế trên chiến trường. Dù là một di sản của quá khứ, nhưng rõ ràng BTR-50 vẫn còn vai trò nhất định trong những diễn biến phức tạp và không ngừng thay đổi của chiến tranh hiện đại.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgaria Military/Army Recognition)
Xuất hiện loại vũ khí tạo bước đột phá đặc biệt quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine
Xuất hiện loại vũ khí tạo bước đột phá đặc biệt quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine

Các đổi mới công nghệ đang không ngừng định hình lại bản chất của chiến tranh trong cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN