Bước chuyển trong chính sách đối ngoại Đức

Cả Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đều khẳng định Berlin, trên nguyên tắc, sẽ cung cấp vũ khí cho Iraq để chống lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Đây được xem là một bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đức.

           

Trong tuần này, Chính phủ Đức sẽ quyết định cung cấp cho Iraq, trong đó có người Kurd ở miền Bắc, các chủng loại vũ khí và quân trang để chống lại sự bành trướng cũng như ngăn chặn tội ác của lực lượng IS. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc Chính phủ liên bang quyết định cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq là một bước đi quan trọng, được Nội các "rất đắn đo, cân nhắc" trước khi đưa ra quyết định.


Tổng thống Joachim Gauck (trái) và Thủ tướng Angela Merkel muốn thúc đẩy chính sách đối ngoại tích cực của Đức.


Bà Merkel còn gọi đây là "bước tiến mới về chất" kể từ sau khi nước Đức tái thống nhất năm 1990, trong đó có việc tham gia sứ mệnh của NATO ở Nam Tư cũ hay việc gửi binh sĩ tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế ở Afghanistan.
           

Quyết định trên được xem mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Đức, bởi đây là lần đầu tiên Chính phủ liên bang Đức quyết định đưa vũ khí tới khu vực xung đột, điều các đời thủ tướng Đức cho tới nay vẫn coi là điều cấm kỵ.

 

Trước sức ép của lực lượng đối lập, Quốc hội Đức đã phải đồng ý tiến hành phiên thảo luận bất thường về cung cấp vũ khí cho Iraq vào ngày 1/9 tới, tuy đây chỉ là phiên thảo luận phần lớn mang tính hình thức mà không có nghị quyết hay biểu quyết, bỏ phiếu.

 

Theo Thủ tướng Merkel, vấn đề Iraq lúc này là một "ngoại lệ", bởi Berlin không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi nơi đây, lực lượng IS đang ngang nhiên tiến hành các tội ác diệt chủng. Bà cho rằng việc vũ trang cho người Kurd là để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm những vụ diệt chủng và là hành động nằm trong khuôn khổ một nghị quyết của Liên hợp quốc, theo đó sẽ chỉ cho phép chuyển vũ khí tới người Kurd khi được Chính phủ Iraq đồng ý.

 

Nhà lãnh đạo Đức nói bà không chắc 100% số vũ khí của Đức sẽ không bị rơi vào tay những kẻ xấu, song đó là quyết định phải làm. Bà cũng bác bỏ việc đưa binh sĩ tới Iraq và cho biết chưa có kế hoạch cụ thể về khả năng triển khai nhân lực đi theo các thiết bị với mục đích huấn luyện sử dụng.
           

Dù với hình thức nào, thì việc Đức đồng ý chuyển vũ khí tới vùng chiến sự cũng đã cho thấy Berlin đang dần bước ra khỏi cái bóng của chính mình, thoát khỏi sự rụt rè, kiềm chế mọi hành động trong vòng an toàn để can dự ngày càng lớn hơn vào các vấn đề quốc tế. Chính sách này chính là sự cụ thể hóa những tuyên bố và cam kết mà Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng các thành viên Nội các Đức đã đưa ra trong năm qua.

 

 

Tin, ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)



Đức phản đối lập nhà nước độc lập của người Kurd tại Iraq
Đức phản đối lập nhà nước độc lập của người Kurd tại Iraq

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 17/8 cho biết Berlin phản đối việc thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd tại Iraq, lực lượng đang giao tranh với các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) với sự hỗ trợ của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN