Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) cùng thả diều tại lễ khai mạc Triển lãm Diều Ấn Độ - Indonesia ở Jakarta, Indonesia ngày 30/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Đây là chuyến thăm nhằm thúc đẩy chính sách "Hành động hướng Đông" vốn được chính Thủ tướng Modi nâng cấp từ chính sách "Hướng Đông" năm 2014. Chuyến thăm cho thấy Ấn Độ đang gia tăng hợp tác một cách thực chất hơn với các nước Đông Nam Á và các quốc gia trong vành đai Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện vai trò và hành động của New Delhi nhằm bảo đảm các lợi ích chiến lược của mình cũng như duy trì sự hoà bình, ổn định trong khu vực.
Có thể thấy, với chuyến thăm chính thức Indonesia, thì kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, Thủ tướng Modi đã thăm tất cả 10 nước trong ASEAN. Cùng với việc mời lãnh đạo toàn bộ 10 nước ASEAN tới Ấn Độ tham dự Ngày Cộng hòa hồi đầu năm nay, chuyến thăm của Thủ tướng Modi lần này một lần nữa cho thấy Ấn Độ đánh giá rất cao vai trò của ASEAN, khi chính ông Modi coi khối này là "cấu trúc hòa bình và an ninh trong khu vực" và là một "tấm gương và là mong ước" cho hợp tác khu vực. Ông nhấn mạnh khu vực này có những mối quan hệ về hàng hải, lãnh thổ, chính trị, quốc phòng và kinh tế với Ấn Độ và hai bên đã trở thành đối tác chiến lược của nhau trong 25 năm qua.
Kết quả thực chất của chuyến thăm được thể hiện rõ qua những thỏa thuận đạt được. Chuyến thăm Indonesia là một ví dụ cho thấy chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và ký một loạt các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tăng cường hợp tác quốc phòng, vũ trụ, phát triển, thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua quan hệ với nền kinh tế lớn nhất ASEAN và cũng là một quốc gia có vị trí quan trọng tại vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ đã thiết lập được một “cầu nối” cho hợp tác hàng hải và an ninh tại khu vực.
Hai bên đã nhất trí thúc đẩy các kế hoạch phát triển một cảng hải quân chiến lược của Indonesia ở Sabang nằm tại mũi đảo Sumatra và là cửa ngõ vào eo Malacca - một đầu mối thương mại trên biển của toàn cầu, đồng thời tăng cường hợp tác hàng hải trong việc định hình một cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhiều thành phần tham gia. Việc kết nối trên biển giữa Ấn Độ và Indonesia còn thể hiện trong tuyên bố về "Tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải Ấn Độ - Indonesia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Tầm nhìn chung này cho thấy "những hội tụ và bổ sung” trong khu vực giữa chính sách "Hành động hướng Đông" cũng như An ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR) của Ấn Độ và Tầm nhìn điểm tựa hàng hải toàn cầu của Indonesia.
Chặng dừng chân ngắn ở Malaysia, trong đó ông Modi là một trong những nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp Thủ tướng mới đắc cử Mahathir Mohamad, đã góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vốn có mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời, với ít nhất 7% dân số của quốc gia Đông Nam Á là người Ấn Độ nhập cư. Mục tiêu của Ấn Độ và Malaysia là nâng kim ngạch thương mại song phương hiện ở mức 10,5 tỷ USD 25 tỷ USD năm 2020. Còn trong chặng dừng chân cuối cùng ở Singapore, cũng là nước Đông Nam Á có quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã gặp người đồng cấp Lý Hiển Long và hai bên đã ký tổng cộng 14 thỏa thuận hợp tác. Kết quả này là minh chứng cho thấy quan hệ hợp tác kinh tế và chiến lược hai nước đang được cả hai thúc đẩy lên tầm cao mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (phải) tại cuộc gặp ở Putrajaya, Malaysia ngày 31/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Đặc biệt, việc ông Modi trở thành một vị Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La, một diễn đàn đối thoại an ninh khu vực và xây dựng lòng tin hàng đầu ở Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á-Thái Bình Dương nói chung, một lần nữa phản ánh Ấn Độ đặc biệt coi trọng việc triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”. Đồng thời, bài phát biểu của Thủ tướng Modi cũng khẳng định Ấn Độ đang thể hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ hơn như một nhân tố quan trọng đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang được định hình.
Trên thực tế, Ấn Độ về kinh tế lẫn quân sự đều có thể coi là một cường quốc khu vực dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nước này đang có vai trò ngày càng tăng trong giữ gìn ổn định ở châu Á. Việc nước này là thành viên nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản với mục tiêu thành lập một lực lượng chung để tuần tra và phát huy tầm ảnh hưởng trên các vùng biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, đã chứng tỏ vị trí của New Delhi trong cấu trúc an ninh khu vực này.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri La, ông Modi đã đề cập tới tầm nhìn về một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới" rộng mở, nhiều thành phần tham gia và không bị giới hạn vào thành viên cụ thể nào cả. Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều thành phần tham gia và chính sách "Hành động hướng Đông" để hoàn thành tầm nhìn này. Ông khẳng định ASEAN đã, đang và sẽ là trung tâm trong tương lai và Ấn Độ muốn hợp tác vì một cấu trúc hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tuyên bố này một lần nữa cho thấy ASEAN sẽ tiếp tục nằm trong trọng tâm của chiến lược an ninh “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Ấn Độ đang triển khai mạnh mẽ cùng với 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản. Sau những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới an ninh khu vực thời gian gần đây, tạo ra những thách thức cho chính Ấn Độ, New Delhi đang muốn thể hiện vai trò như một đối tác có tầm ảnh hưởng và có trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, qua đó khẳng định vị thế một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể thấy tại diễn đàn này, về cơ bản, Ấn Độ đã tìm được tiếng nói chung với ASEAN trong cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, minh bạch, theo luật pháp, hòa bình, thịnh vượng và nhiều thành phần tham gia - một khu vực mà ở đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tự do hàng hải và hàng không, phát triển bền vững, một hệ thống thương mại và đầu tư rộng mở, tự do, công bằng và các bên cùng có lợi ích..., đều được tôn trọng. Đối với Ấn Độ và ASEAN, sự phối hợp này không chỉ đem lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn hướng đến lợi ích chính trị và an ninh, đồng thời còn tạo lập được thế cân bằng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Singapore ngày 1/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Indonesia, Malaysia, Indonesia đã góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi và khăng khít hơn nữa giữa Ấn Độ với 3 quốc gia này nói riêng và với ASEAN nói chung. Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò của nước này khi từng bước mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược thông qua chính sách "Hành động hướng Đông".
Và với việc Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy chính sách "Hành động hướng Đông" cũng như xây dựng quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước ASEAN, rõ ràng, New Delhi đang muốn cùng với ASEAN trở thành một lực lượng có thể đảm bảo cho hòa bình và tiến bộ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vươn ra cả ngoài khu vực này. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Đông Nam Á lần này là bước tiến nữa của Ấn Độ trong việc kết nối với các quốc gia ASEAN, tạo lực đẩy để chính sách “Hành động hướng Đông” chuyển biến theo hướng ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực.