Ấn Độ 'hướng Đông' mở rộng cơ hội hợp tác với ASEAN

"Người Ấn Độ luôn nhìn về hướng Đông để ngắm Mặt Trời mọc và ánh sáng của cơ hội. Bây giờ, cũng như trước đây, phương Đông hay khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ là một phần không thể thiếu đối với tương lai của Ấn Độ và vận mệnh chung của hai bên".

Đó là lời chia sẻ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đề cập đến mối quan hệ khăng khít giữa Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên hồi tháng 1 năm nay.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố này đã phản ánh sự coi trọng của Ấn Độ đối với ASEAN, phù hợp chủ trương nhất quán “Hành động hướng Đông” và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà New Delhi đang theo đuổi. Chuyến công du của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Singapore, bắt đầu từ ngày 29/5 chính là bước tiếp theo cụ thể hóa chính sách này.

Như khẳng định của giới chức ngoại giao Ấn Độ, ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia, Brunei và Singapore, là "các nước láng giềng mở rộng" của Ấn Độ. ASEAN rất quan trọng với Ấn Độ trong mối quan hệ về lịch sử, khoảng cách địa lý và không gian chiến lược, vốn gắn bó qua mối giao lưu văn hoá và liên kết văn minh giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ từ hàng nghìn năm trước. Quan hệ đối tác đối thoại Ấn Độ - ASEAN vì thế được đánh giá là "chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh" và New Dehli coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông".

Sự coi trọng mối quan hệ với ASEAN được thể hiện qua việc Ấn Độ gửi thư mời toàn bộ 10 nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ tại New Delhi hồi đầu năm nay với tư cách khách mời danh dự. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại quốc gia Nam Á này. Đáp lại thiện chí của Ấn Độ, tất cả lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đều đã tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại thủ đô New Delhi và Ngày Cộng hòa Ấn Độ 25/1/2018. Đây có thể được xem là thông điệp thể hiện sự đồng điệu giữa chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ và chính sách "Hành động hướng Tây" của ASEAN.

Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay, Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với ASEAN trên 3 bình diện là kinh tế, ngoại giao và quân sự vì lợi ích chung. Hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng trong chính sách “Hành động Hướng Đông”. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm hơn 10% tổng thương mại của Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn của ASEAN; thương mại hai chiều đã tăng 8% trong 2016-2017 so với năm trước, hiện đạt khoảng 70 tỉ USD. Việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với các nước ASEAN giúp Ấn Độ đẩy mạnh hội nhập kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Về ngoại giao, trong bối cảnh chính sách “ưu tiên nước láng giềng” của ông Modi gặp phải trở ngại, Ấn Độ một mặt tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, mặt khác chuyển đổi chính sách “Nhìn sang phía Đông” thành “Hành động hướng Đông”, nhấn mạnh đến tính cấp thiết triển khai hành động cụ thể để tăng cường phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Về quân sự, Ấn Độ đang cần tìm kiếm đối tác hợp tác mạnh mẽ để mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó thể hiện vai trò của mình trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời đối phó với các thách thức chung.

Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ lần này là nhằm tăng cường quan hệ cũng như hợp tác với cả 3 quốc gia nói riêng, từ đó góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN nói chung. Ngoài yếu tố là 3 trong số các quốc gia có tăng trưởng kinh tế nổi trội trong ASEAN, thì so với các quốc gia Đông Nam Á còn lại, sự gắn kết giữa Ấn Độ và 3 quốc gia này cũng khá đặc biệt: đây là 3 nước có cộng đồng người Ấn Độ lớn mạnh tại khu vực.

Là quốc gia có nền kinh tế và dân số lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20), Indonesia được đánh giá có vai trò thực tế kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Indonesia lần này được cho là sẽ nâng mối quan hệ đối tác song phương lên tầm cao mới và điều mà giới chức hai nước cần thúc đẩy trong giai đoạn này là tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân. Trong khi đó, với Singapore - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Singapore cũng có vai trò quan trọng.

Đây sẽ là chuyến thăm thứ 2 của ông Modi tới "quốc đảo Sư tử" trong năm nay sau chuyến thăm lần đầu hồi tháng 1 kết thúc với một thỏa thỏa thuận thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối giữa hai nước. Trước đó, quan hệ Ấn Độ - Singapore đã được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Modi hồi năm 2015. Trong khi đó, giao lưu nhân dân cũng như quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Malaysia được ghi nhận đang trên đà phát triển mạnh mẽ và Ấn Độ đang thúc đẩy để trở thành một đối tác chiến lược của Malaysia. Như vậy, chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ lần này sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi và khăng khít hơn nữa giữa Ấn Độ và 3 nước Đông Nam Á, có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình tăng cường kết nối Ấn Độ với ASEAN, nâng quan hệ hai bên lên tầm cao mới và góp phần đưa chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ từng bước thành công và hiệu quả.

Lan Phương (TTXVN)
Ấn Độ gia nhập cuộc đua phát triển 'robot sát thủ’ trong quân đội
Ấn Độ gia nhập cuộc đua phát triển 'robot sát thủ’ trong quân đội

Ấn Độ đang cân nhắc phương án phát triển hệ thống vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quân đội, với khả năng nhận diện và tấn công mục tiêu mà không cần chỉ dẫn của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN