Ngày 7/5 tới đây, cử tri tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ bỏ phiếu bầu Hạ viện khóa mới trong một cuộc bầu cử đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền chính trị "Xứ sở sương mù".
Thủ tướng David Cameron và Thủ lĩnh Ed Miliband của Công đảng. |
Nói vậy bởi có vẻ như thời mà Chính phủ Anh được vận hành độc đảng: hoặc là đảng Bảo thủ hoặc là Công đảng đã qua rồi. Mô hình liên minh cầm quyền - hình thành lần đầu tiên trong thời bình sau cuộc tổng tuyển cử Anh năm 2010 - dự kiến sẽ lặp lại ở cuộc bầu cử tới đây khi cả đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron lẫn Công đảng đối lập của Thủ lĩnh Ed Miliband đều khó có khả năng giành được đa số quá bán tại Hạ viện 650 ghế để độc lập thành lập chính phủ. Cuộc đua bầu cử Anh đã chuyển từ truyền thống đối đầu giữa hai đảng sang cạnh tranh giữa nhiều đảng và ngày càng khó dự đoán hơn khi hàng loạt cuộc thăm dò đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa hai chính đảng lớn nhất gần như ngang bằng nhau.
Trong 5 năm qua, chính phủ liên minh giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron và đảng Dân chủ Tự do (Lib Dem) của Phó Thủ tướng Nick Clegg đã đưa nước Anh vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nước Anh của năm 2015 đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với năm 2010 với tốc độ tăng trưởng được cải thiện mạnh. Số người có việc làm đang ở mức cao kỷ lục với khoảng 2 triệu việc làm mới được tạo ra. Thâm hụt ngân sách từ mức chiếm gần 12% Tổng sản lượng quốc nội (GDP), khi chính phủ mới lên cầm quyền, dự kiến giảm xuống chỉ còn tương đương 4% GDP trong năm nay. Loại bỏ thâm hụt tiến tới thặng dư ngân sách tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ được ông Cameron nhấn mạnh trong các chuyến đi vận động tranh cử suốt 5 tuần qua, bên cạnh các ưu tiên khác như đầu tư lớn cho Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), xây dựng thêm nhà ở cho những người mua nhà lần đầu, mở thêm trường học miễn phí, miễn thuế thu nhập cho người nhận lương tối thiểu... nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu cân bằng ngân sách, Chính phủ Bảo thủ trong 5 năm qua đã phải thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ với nhiều khoản cắt giảm phúc lợi xã hội ảnh hưởng tới đời sống người dân. Báo cáo của tổ chức cứu tế lớn nhất tại Anh Trussell Trust cho biết mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng số người Anh phải sống dựa vào các nguồn lương thực miễn phí đã tăng mạnh, từ 130.000 người trong giai đoạn 2011-2012 lên 913.000 người trong hai năm 2013-2014, với hơn một nửa trong số này là trẻ em. Thị trường lao động dù có cải thiện nhưng số việc làm gia tăng phần nhiều là việc làm thu nhập thấp. Chính vì vậy, nhiều người dân Anh không cảm thấy được sự cải thiện trong đời sống của họ.
Công đảng đã nắm lấy những "điểm trừ" này để công kích đảng Bảo thủ gây ra "cuộc khủng hoảng chất lượng sống" ở Anh và kêu gọi cử tri làm một cuộc thay đổi. Tuy vậy, cương lĩnh tranh cử của Công đảng lại khiến không ít người nghi ngờ về khả năng đảng này giải quyết được cuộc khủng hoảng mà không dẫm vào vết xe đổ của quá khứ vay mượn và chi tiêu tràn lan.
Theo giới quan sát, bất luận đảng nào trở thành đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử ngày 7/5 tới thì các cuộc thương lượng nhằm thành lập chính phủ mới cũng sẽ kéo dài hơn so với thời gian 5 ngày đảng Bảo thủ và đảng Lib Dem nhất trí hình thành liên minh cầm quyền ở kỳ bầu cử trước. Bên cạnh đó, chính phủ mới có thể sẽ có sự tham gia của hơn 2 đảng do số lượng ghế mà mỗi chính đảng có thể giành được đã thay đổi nhiều so với kỳ bầu cử trước. Công đảng có thể trở lại nắm quyền với sự ủng hộ của đảng Dân tộc Scotland (SNP) mặc dù cả hai đảng này đều bác bỏ một sự liên minh chính thức. Thủ lĩnh Công đảng Miliband từng tuyên bố ông sẽ không thành lập chính phủ nếu điều này đồng nghĩa với một thỏa thuận hay liên minh với SNP, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Công đảng sẽ cân nhắc sau cuộc bầu cử. Trong khi đó, đảng Bảo thủ nhiều khả năng sẽ liên kết với đảng ôn hòa Lib Dem để lặp lại chính phủ hiện nay. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu cả hai đều đạt được kết quả ngoài mong đợi và hội đủ số ghế để thành lập chính phủ đa số. Chưa kể đến việc ông Clegg hiện vẫn để ngỏ khả năng liên minh với Công đảng.
Có thể nói ngoài việc thách thức truyền thống chính trị Anh, cuộc bầu cử ngày 7/5 tới ở "Xứ sở sương mù" còn khiến các thị trường tài chính quốc tế theo dõi chặt chẽ khi hai chính đảng lớn nhất đưa ra kế hoạch hoàn toàn khác biệt để quản lý tài chính của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này. Cuộc bầu cử cũng sẽ quyết định vai trò và vị trí của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU), khi ông Cameron tuyên bố sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào cuối năm 2017 nếu thắng cử, trong khi ông Miliband đã bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu như vậy trong chính phủ Công đảng.
Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại London)