Vào năm 1979, đảng Bảo thủ Anh từng tuyên bố "Công đảng không làm việc" trong một áp phích mang tính biểu tượng báo trước sự tấn công của các quảng cáo chính trị kiểu Mỹ tại Anh. Ba thập kỷ sau đó, chiến thuật tranh cử từ Mỹ vẫn được các chính đảng Anh học tập. Nhưng lần này, các phương pháp là kỹ thuật số và các chiến trường là Facebook, Twitter và YouTube. Trên thực tế, ở cuộc bầu cử này người ta đã được chứng kiến một sự thay đổi khổng lồ về cách thức các chính đảng truyền bá thông điệp của họ.
Các chính đảng Anh chi không tiếc tiền cho quảng cáo trên Facebook và YouTube. |
Trong số những thay đổi đáng chú ý nhất, cuộc bầu cử năm nay đánh dấu lần đầu tiên các chính đảng Anh chi không tiếc tiền cho quảng cáo trên Facebook và YouTube. Thống kê chính xác về số tiền mà các đảng đã bỏ ra để quảng cáo tranh cử sẽ chỉ được công bố sau cuộc bầu cử ngày 7/5 tới. Nhưng những người trong cuộc nói rằng đã có một sự chuyển hướng rõ rệt sang hình thức quảng cáo số. Mặc dù ngân sách cho việc gửi thư trực tiếp và phát tờ rơi vẫn chiếm một phần quan trọng trong bất cứ chiến dịch vận động tranh cử nào song chi tiêu cho các hình thức tranh cử truyền thống đã giảm so với cuộc bầu cử năm 2010, năm mà chỉ riêng đảng Bảo thủ đã bỏ ra gần 7 triệu bảng cho áp phích bầu cử.
Một trong những phát kiến nổi bật nhất trong cuộc bầu cử này là việc sử dụng video trực tuyến, cho phép các chính đảng tránh được quy định cấm họ bỏ tiền quảng cáo chính trị trên truyền hình của Anh. Cụ thể, đảng Bảo thủ đã chi tiền để quảng bá các video công kích Thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và gắn ông này với Alex Salmond (cựu Thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland - SNP). Các video của đảng Bảo thủ đã được hàng triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong mấy tuần qua.
Đảng Bảo thủ hiện có hơn 400.000 "like" trên Facebook. |
Những người của Công đảng phàn nàn rằng đảng Bảo thủ có lợi thế không cân bằng vì có nguồn tài chính dư dả hơn mặc dù điều đó không ngăn cản Công đảng sử dụng quỹ tranh cử riêng của mình cho quảng cáo số. Một thành viên của đảng này cho biết: "Chúng tôi đang nhắm tới những người mà chúng tôi biết là ủng hộ viên Công đảng để có được sự ủng hộ của họ cả về mặt tài chính". Phần lớn quảng cáo số của Công đảng nhằm vào việc thu thập các địa chỉ email, cho phép họ xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với các cử tri ủng hộ.
Một điểm chung nữa giữa Công đảng và đảng Bảo thủ là họ đều được quảng bá bởi các chuyên gia bậc thầy về kỹ thuật số vốn trước đó từng làm việc cho bộ máy tranh cử "số" cực kỳ hiệu quả của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tại Mỹ, các chính đảng đã có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng công nghệ phức tạp và có trọng điểm để quảng bá thông điệp được "đo ni đóng giày" cho các đối tượng cử tri khác nhau. Dù trong lĩnh vực công nghệ thì các chính đảng Anh còn bị các đồng nghiệp Mỹ bỏ xa song họ cũng đã bắt đầu biết cách tận dụng sức mạnh truyền bá khổng lồ mà Facebook và YouTube mang lại. Các mạng xã hội này cho phép các đảng đưa ra các quảng bá phù hợp với người sử dụng internet dựa trên các tiêu chí tuổi tác, giới tính, nơi cư trú và thói quen trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc các đảng có thể tập trung nguồn lực vào những đối tượng cử tri cụ thể để giành sự ủng hộ của họ.
Các hóa đơn bị rò rỉ cho thấy đảng Bảo thủ đã chi hơn 100.000 bảng mỗi tháng trong năm ngoái để mua các quảng cáo trên Facebook. Một trong những mục đích của sự chi tiêu mạnh tay này là khuyến khích người ta "like" trang chính thức của đảng Bảo thủ trên mạng xã hội. Chiến lược này xem ra đã hiệu quả: đảng Bảo thủ hiện có hơn 400.000 "like" trên Facebook, so với 240.000 "like" cho Công đảng và 110.000 "like" cho đảng Dân chủ Tự do (LibDem).
Trong khi những người hoài nghi có thể đặt câu hỏi về giá trị của mỗi "like" thì nó thực sự đã mang lại cho các đảng nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích đó là việc Facebook cho phép những người quảng cáo nhắm vào bạn bè của những người "like" một trang nào đó với một thông điệp có chứa sự tán thành của người bạn.
Không nhiều tiền để chi như đảng Bảo thủ, Công đảng bớt tập trung vào những quảng cáo trả tiền và chú trọng hơn vào việc tạo ra sức hút trên mạng xã hội miễn phí. Chiến lược này đã được thực hiện trước cuộc tranh luận trên truyền hình của thủ lĩnh đảng này hồi tuần trước khi dòng tweet của ông Miliband công kích việc Thủ tướng Cameron không tham gia cuộc tranh luận giữa lãnh đạo các chính đảng trên truyền hình đã được hơn 13.000 lượt retweet.
Về phần mình, đảng Bảo thủ khuyến khích những người ủng hộ đại diện đảng này chia sẻ nội dung tranh cử. Thông qua một trang mạng được gọi là "chia sẻ thực tế", đảng này cộng điểm cho các ủng hộ viên bất cứ khi nào họ gửi một thông điệp ủng hộ lên Facebook, Twitter hay LinkedIn và có hẳn một bảng thông báo vinh danh những thành viên chia sẻ được nhiều thông điệp ủng hộ nhất. Tuần trước, đảng bảo thủ đã kêu gọi các ủng hộ viên của họ chia sẻ áp phích mới là bức tranh biếm họa vẽ Thủ lĩnh SNP Nicola Sturgeon đang điều khiển một con rối là ông Miliband. Việc áp phích này thực sự có xuất hiện trên các biển quảng cáo cỡ lớn hay không không quan trọng bởi mục tiêu chính của đảng Bảo thủ là để nó hiện diện trước mọi người trên mạng xã hội.
Đỗ Sinh(Theo FT)