"Bức tường Berlin" thứ hai?

Sau 25 năm kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, Liên minh châu Âu (EU) lại tự mình dựng lên một "bức tường Berlin mới" - bức tường xây bằng các lệnh trừng phạt chống Nga.

Theo tờ “Độc lập” của Nga, có lẽ giới chức châu Âu cũng đang nhận thấy thực tế nói trên, nên trong cuộc họp cấp đại sứ các nước thành viên diễn ra tại Brussels (Bỉ) vừa qua, EU đã quyết định không xem xét việc tiếp tục trừng phạt Nga. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi phải duy trì áp lực đối với Nga và quan điểm của quốc gia có ảnh hưởng nhất tại EU này cũng đã được các đại biểu thảo luận. Trước thềm cuộc họp, bà Merkel vẫn kiên quyết khẳng định “còn xa” mới có thể giảm nhẹ liều lượng trừng phạt hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.


Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc họp báo chung.

Trong thời gian gần đây, tình hình Ukraine được xem là có diễn biến thuận lợi và các đại sứ nhìn chung đánh giá tốt quá trình thực thi kế hoạch hòa bình ở miền đông Ukraine. Điều đáng lưu ý rằng để có được kế hoạch hòa bình đó là nhờ vai trò lớn của Nga vạch ra kế hoạch, tạo tiền đề cho các bên gặp nhau ở thủ đô Minsk của Belarus và ký thỏa thuận ngừng bắn.

Tác động ngược của các biện pháp trừng phạt dường như đã khiến các quốc gia EU bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bởi trong thời đại các mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, thật khó để trừng phạt Nga mà EU lại không bị liên đới. Đây là lý do vì sao nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin sau cuộc gặp với Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb, bà Merkel khẳng định vì lợi ích chính trị, EU vẫn cần phải tiếp tục gây áp lực lên Moskva. Báo "Độc lập" bình luận rằng thật kỳ lạ khi Thủ tướng Đức sẵn sàng muốn sống dưới sức nặng của "bức tường trừng phạt" chống lại Nga và còn ám chỉ đến Bức tường Berlin vốn đã sụp đổ từ hàng thập kỷ qua.

Trên thực tế EU đang rất lúng túng để tìm ra phương sách ứng xử với Nga. Một mặt, họ đang phụ thuộc vào Moskva trên khá nhiều phương diện: Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU và cung cấp 30% tổng nhu cầu khí đốt ở EU. Với Đức, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11. Với Anh, rất nhiều tập đoàn tài chính nước này đang làm ăn ở Moskva và sẽ thiệt hại không nhỏ nếu bị Nga trả đũa. Với Pháp, các nhà thầu nước này đang hoàn tất hợp đồng cung cấp tàu chiến lớp Mistral cho Nga và sẽ thiệt hại hàng tỷ euro nếu phá hợp đồng. Các thành viên EU ở phía đông thì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Nhưng mặt khác, EU cũng rất lo lắng nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine không sớm được giải quyết, dẫn đến bất ổn kéo dài hoặc tệ hơn nữa là khu vực miền Đông nước này tuyên bố ly khai. Kể từ sau thế chiến thứ 2, châu Âu đã hình thành thỏa thuận ngầm rằng trật tự biên giới của các quốc gia không được phép thay đổi. Cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland về việc tách ra khỏi Anh đã khiến cả châu Âu “nín thở”, bởi nếu bản đồ châu Âu bị vẽ lại, nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực ở các khu vực khác đang nhăm nhe đòi độc lập. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo như bà Merkel đang tìm mọi cách để vãn hồi trật tự tại miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, dù bà Merkel có lo lắng cho tương lai của châu Âu đến đâu thì điều quan trọng là việc dỡ bỏ, giảm nhẹ hay tiếp tục trừng phạt Nga đều phải được tiến hành với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU. Đó chính là thế kẹt mà tờ “Độc lập” ví rằng khối liên minh này sẽ "tự dồn mình vào chân tường" nếu 28 quốc gia thành viên không tự tìm cách đối diện thực tế, dỡ bỏ từng viên gạch của “bức tường Berlin” mới.

TTK-TD

EU giữ nguyên biện pháp trừng phạt Nga
EU giữ nguyên biện pháp trừng phạt Nga

Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/9 đã quyết định giữ nguyên gói trừng phạt cứng rắn với Nga với lý do kế hoạch hòa bình ở Ukraine chưa được thực hiện đầy đủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN