Trừng phạt Nga: Phương Tây "mất nhiều hơn được"

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây cho rằng các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với một số nhà sản xuất dầu khí của Nga sẽ không tác động đáng kể đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Ngược lại, một số công ty phương Tây có thể bị mất vai trò của họ tại thị trường Nga.

 

Bộ trưởng Alexander Novak khẳng định: "Vai trò này sẽ bị các nhà đầu tư khác chiếm lĩnh. Một khi bị mất thị trường, các công ty châu Âu hoạt động tại Nga không thể lấy lại được. Và các công ty Mỹ cũng vậy". Trong khi đó, Nga là một thị trường khổng lồ, với 150 triệu dân sinh sống ở cả châu Âu lẫn châu Á.

 

Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với một số nhà sản xuất dầu khí của Nga sẽ không tác động đáng kể đến lĩnh vực năng lượng của nước này.


Bộ trưởng Alexander Novak nói thêm: "Các biện pháp trừng phạt sẽ làm chúng ta bị thiệt hại nhỏ, nhưng lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của đất nước ít bị tác động. Nếu như có bị ảnh hưởng bởi một biện pháp nào đó, thì chính phủ đã có một loạt các biện pháp để giúp các công ty thoát ra khỏi tình trạng khó khăn". Theo ông Alexander Novak, biện pháp này bao gồm việc phát triển một chương trình liên bang để thay thế các thiết bị nhập khẩu bằng các thiết bị tương tự được sản xuất ở trong nước.


Tại một cuộc họp báo mới đây ở Moskva, Chủ tịch Liên hiệp các nhà sản xuất dầu khí Nga Gennady Chmal cho biết: "Việc cấm cung cấp thiết bị tiên tiến cho một số công ty dầu mỏ của Nga sẽ không có một tác động đáng kể về khối lượng sản xuất dầu thô, nhưng những hạn chế về tài chính của họ gây ảnh hưởng trong vòng từ 2 - 3 năm". Ông Gennady Chmal tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không thúc đẩy các công ty phương Tây từ bỏ các dự án của họ ở Nga, hoặc ít nhất vẫn duy trì hoạt động thông qua các công ty con của họ".


Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga, hạn chế nguồn cung cấp thiết bị cho việc khai thác dầu ở những nơi khó tiếp cận, nhất là tại thềm lục địa Bắc Cực của Nga. Sau khi EU và Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Moskva, tập đoàn Total của Pháp vẫn duy trì các dự án của họ ở Nga. Một phát ngôn viên của Total mới đây vừa thông báo: "Tại thời điểm này, công việc tại các dự án của chúng tôi vẫn tiếp tục theo kế hoạch. Chúng tôi không ngừng các hoạt động tại dự án Yamal".


Ngày 12/9, EU đã ban hành lệnh cấm các công ty châu Âu hợp tác với công ty của Nga trong việc thăm dò và sản xuất dầu khí ở khu vực nước sâu và thềm lục địa, hoặc dầu đá phiến ở Bắc Cực. Cùng ngày, Mỹ đã áp đặt các hạn chế về cung cấp sản phẩm, dịch vụ và công nghệ đối với năm công ty Nga là Rosneft, Gazprom, Gazprom Neft, Lukoil và Surgutneftegaz. Trước đó, các biện pháp trừng phạt được thông qua trong tháng Bảy cũng đã cấm xuất khẩu các thiết bị công nghệ cao cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.


Tin tức cho hay tại một hội nghị về năng lượng ở đảo Sakhalin thuộc vùng Viễn Đông của Nga, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, ông Kirill Molodsov cho biết Moskva sẽ đáp ứng kế hoạch tăng cường cung cấp dầu mỏ sang Trung Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm hạn chế các công ty dầu mỏ của “xứ sở Bạch dương” tiếp cận công nghệ và nguồn vốn nước ngoài.


Năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận tăng gấp ba lần lượng dầu cấp cho Trung Quốc, ước lên đến 1 triệu thùng/ngày sau năm 2018. Ông Molodsov cho biết, Nga có “đủ nguồn lực tài chính để gia tăng sản xuất (ở miền Đông Siberia)” và “không thấy có bất kỳ rủi ro nào khiến cho dự án tăng lượng dầu cung cấp cho Trung Quốc không thể thực hiện được”. Công ty quốc doanh Rosneft, “nạn nhân” mới nhất trong danh sách trừng phạt của phương Tây, sẽ đảm nhận trách nhiệm cung cấp dầu sang Trung Quốc. Ông Molodsov cho biết Nga sẽ hỗ trợ Rosneft cả về công nghệ lẫn tài chính, bao gồm cả việc cấp ngân sách nhà nước cho các dự án sản xuất dầu khí. Nga đang tập trung vào công nghệ, và có “khả năng thay thế tất cả các thiết bị được sử dụng trong sản xuất dầu, bao gồm cả những thiết bị có trong danh sách trừng phạt”.


Hoàng Chiến (Theo tạp chí kinh tế "Le Maghreb")

G-7 dọa siết chặt trừng phạt Nga
G-7 dọa siết chặt trừng phạt Nga

G-7 cam kết ủng hộ Ukraine khi mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần, đồng thời cảnh báo Nga rằng sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nếu thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine không được thực thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN