BRICS chưa đủ sức thay đổi trật tự thế giới

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 ở Brazil vào tuần trước, các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã có bước tiến mang tính quyết định với việc xây dựng các định chế tài chính có thể thách thức sự thống trị lâu dài về địa chính trị và kinh tế của phương Tây. Tuy nhiên, BRICS, dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc, vẫn chưa đủ sức để thay đổi hiện trạng.

 

Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS tại hội nghị. Ảnh: THX/TTXVN

 

Ngân hàng Phát triển mới mà BRICS tuyên bố lành lập, có trụ sở tại Thượng Hải, sẽ tài trợ cho các dự án hạ tầng và phát triển. Đây sẽ là đối thủ lớn nhất không chỉ đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà đối với cả mô hình kinh tế do Mỹ thiết kế tại Bretton Woods vào năm 1944.


Những hứa hẹn trong việc cải cách những định chế nói trên đã không được triển khai và giờ đây Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống toàn cầu của riêng mình, với sự trợ giúp của các nước thành viên BRICS. Một "mối quan hệ đặc biệt" mới với đối tác kinh tế gần gũi nhất của Trung Quốc ở phương Tây - nước Đức - và việc xác định Frankfurt là một trung tâm cho đồng nhân dân tệ mới đây được xem là một phần trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ sự thống trị của đồng USD.


Dễ hiểu là tại sao các thành viên trong nhóm BRICS đang sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc trong kế hoạch này. Ấn Độ và Nam Phi đang cần một lối tiếp cận dễ dàng hơn đối với những nguồn vốn lớn trên thế giới. Trong khi đó, nước Nga ngày nay đang bộc lộ tất cả mọi rủi ro chính trị và kinh tế do phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Còn Brazil thì đang mắc kẹt với một nền kinh tế sa sút và một tầng lớp trung lưu bất mãn. Những thành tựu của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thành tựu của Brazil trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng là rất ấn tượng, nhưng họ chưa thể cạnh tranh với các đối thủ của Mỹ và phương Tây.


Tuy nhiên, sẽ là hữu ích khi so sánh Trung Quốc với Nhật Bản - đối trọng nghiêm túc nhất đối với sự thống trị về kinh tế của phương Tây. Các nhãn hiệu như Sony và Panasonic - giờ đây đã trở thành các thương hiệu quốc tế - là các sản phẩm do Nhật Bản tự nghiên cứu, sáng chế, phát triển và đầu tư. Còn Trung Quốc, tuy là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng điện tử, song không thể sánh được với Nhật Bản. Nhật Bản đã trở thành một siêu cường kinh tế trong thời kỳ mà nguồn vốn chưa được toàn cầu hóa rộng rãi. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng GDP, thước đo lỗi thời về sức mạnh kinh tế của một quốc gia, phần lớn lại do các nhà đầu tư và sản xuất từ nước ngoài đem lại. Điều này đặc biệt đúng với các nước BRICS.


Đó là một phần lý do tại sao Trung Quốc vẫn phải nhìn nhận Mỹ như là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới trong khi Brazil và Ấn Độ luôn lo lắng trước bất cứ dấu hiệu nào "báo hiệu" sự kết thúc của luồng vốn "giá rẻ".


Bùng nổ hàng hóa và tín dụng giá rẻ trong những năm 2000 đã mở ra một thời kỳ tăng trưởng dễ dàng đối với các nước BRICS. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy kỷ nguyên thịnh vượng bất hợp lý của phương Đông không thể kéo dài. Những thách thức về chính trị và kinh tế từ trước khi BRICS ra đời đến nay ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.


Ngay cả Trung Quốc, vốn ít bị ảnh hưởng và có nhiều điều kiện để tăng trưởng bền vững hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong nhóm BRICS, vẫn phải chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư (trước đây) sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa. Chừng nào nhiệm vụ nặng nề này chưa được hoàn tất, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng sẽ chưa mang lại kết quả, và nhóm BRICS sẽ tiếp tục thể hiện tham vọng viển vông, chứ chưa thể là khả năng thực sự.

 

Minh Đức (Theo mạng tin Bloomberg)

BRICS đang hướng đến một 'tầm nhìn chung'
BRICS đang hướng đến một 'tầm nhìn chung'

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi diễn ra trong hai ngày (15 - 16/7) tại thành phố Fortaleza (Brazil) đã đi đến nhiều quyết định quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN