Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thành lập một ngân hàng phát triển chung quy mô 100 tỷ USD và một quỹ dự trữ tiền tệ được ví như Quỹ Tiền tệ Quốc tế thu nhỏ.
Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngân hàng mang tên Ngân hàng Phát triển Mới sẽ có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, chuyên cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Ấn Độ sẽ là chủ tịch ngân hàng này trong 5 năm đầu, sau đó đến Brazil và Nga. BRICS cũng thành lập một quỹ dự trữ tiền tệ 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước về thanh khoản trong ngắn hạn.
Ngân hàng sẽ bắt đầu hoạt động với số vốn đóng góp chung 50 tỷ USD, được chia đều giữa 5 thành viên BRICS. Ngân hàng dự kiến bắt đầu cho vay từ năm 2016 và mở cửa cho các thành viên khác cùng tham gia. Tuy nhiên, cổ phần của BRICS sẽ chiếm trên 55%.
Đây là thành công quan trọng đầu tiên của BRICS trong tiến tới định hình lại hệ thống tài chính quốc tế từ trước đến nay vốn chỉ do các nước phương Tây kiểm soát. Với ngân hàng và quỹ dự trữ mới này, BRICS sẽ có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính toàn cầu, có thể làm đối trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh của BRICS tại thành phố Fortaleza của Brazil, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff coi thành lập ngân hàng chung là một quyết định lịch sử. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi ngân hàng là một hình thức mạnh giúp ngăn chặn khó khăn kinh tế.
Tuy nhiên, quyết định thành lập ngân hàng mới và “Quỹ Tiền tệ Quốc tế thu nhỏ” của BRICS sẽ phải được quốc hội 5 nước BRICS thông qua trước khi có hiệu lực.
Nhật Huy