BRICS thách thức nỗ lực của phương Tây

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra trong tuần này là một sự thách thức đối với các nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Nga. Đây cũng là dấu hiệu mới nhất về một trật tự thế giới đa cực ngày càng tăng mà khối này mong muốn.

 

Trong các ngày 14 - 15/7, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng nhau họp tại Brazil. Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một hội nghị quốc tế kể từ khi bị gạt ra khỏi nhóm các nước công nghiệp G8 sau sự kiện Crimea ở Ukraine.

 

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) ngày 14/7 nhân hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN


Oliver Stuenkel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil, nhận xét: "Việc BRICS tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho thấy phương Tây không còn khả năng khiến các cường quốc mới nổi làm theo mình được nữa, ngay cả trong các vấn đề địa chính trị quan trọng. Các nước này đã từ chối tham gia các nỗ lực cô lập Nga". Giáo sư Stuenkel cũng cho rằng việc loại bỏ Nga khỏi nhóm các nước phát triển và đang nổi G20 là điều không thể làm được vì Nga nhận được sự ủng hộ của BRICS.


Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây suy giảm xuống mức thấp trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh do việc Moskva sáp nhập Crimea. Tại buổi họp báo, một quan chức chính phủ Brazil cho biết tuyên bố cuối cùng của hội nghị có thể đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tháng 3/2014, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm BRICS đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập Crimea. Lúc đó, điều phối viên Bộ Ngoại giao Nga tại nhóm BRICS Vadim Lukov đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã "góp phần củng cố liên minh". Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã mang lại cho các nước thành viên BRICS cơ hội thể hiện sự phản đối của mình trước cách thức các cường quốc phương Tây chi phối vũ đài quốc tế.


Mark Weisbrot, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Washington, nói: "Nhóm BRICS đã thể hiện khá rõ ràng sự phản đối của họ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chống lại Nga. Các nước BRICS không thể buộc Washington thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Tất cả những gì họ có thể làm là buộc Washington phải trả giá về chính trị và kinh tế cho chính sách đó".


Trọng tâm chiến lược của hội nghị BRICS là thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ dự trữ nhằm tạo thêm một lựa chọn nữa bên cạnh các thể chế do phương Tây chi phối như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chuyên gia Badie cho rằng động thái này không khác gì "một sự trả đũa tài chính" của các nước có nền kinh tế đang phát triển vượt bậc sau nhiều năm bị Mỹ và phương Tây chiếm ưu thế. Charles Movit, Giám đốc chi nhánh châu Âu của hãng nghiên cứu và tư vấn IHS, nhận xét: "Đây sẽ là sự hình thành bước đầu một thế giới tài chính 'đa cực' phản ánh một không gian địa chính trị đa cực mà ông Putin mong muốn". Tuy nhiên, ngân hàng BRICS chắc chắn không thể làm giảm những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU gây ra cho Nga.


Chuyên gia Edward Verona của hãng tư vấn chiến lược McLarty Associates nói: "Vấn đề là Mỹ hoặc EU sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt theo từng lĩnh vực hay về công nghệ. Các lệnh này sẽ tước đi của Nga các tiềm năng cụ thể mà các nước BRICS khác không thể cung cấp, như công nghệ khoan dầu khí". Theo chuyên gia Verona, việc Nga cần tới các công nghệ của phương Tây là dấu hiệu cho thấy thực trạng kinh tế có thể vẫn là một trở ngại để đi tới một thế giới đa cực mà nước này đang hướng tới.


TTK

BRICS thành lập ngân hàng phát triển chung
BRICS thành lập ngân hàng phát triển chung

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 ngày 15/7 tại thành phố Fortaleza (Brazil), các nước nhóm BRICS đã ký thỏa thuận thành lập ngân hàng chung, nhằm huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển tại các nước thành viên và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN