Ấn Độ quyết không để Trung Quốc chi phối BRICS

Dư luận Ấn Độ đánh giá cao quyết tâm của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi ông quyết không chấp nhận quyền lực chi phối của Bắc Kinh trong Ngân hàng phát triển BRICS (Nhóm các cường quốc mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Trung Quốc và Ấn Độ đang có những vòng đàm phán cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo BRICS chính thức thông báo về sự ra đời của ngân hàng này. Truyền thông Ấn Độ cho biết, tiến trình thảo luận đã phá hỏng ý đồ của Trung Quốc muốn “thống trị” thiết chế tài chính này thông qua việc muốn là bên góp vốn nhiều nhất.

Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt ở Jammu hôm 3/7. Ảnh: AFP


Ngân hàng BRICS được cho là để chống lại ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ trong các thiết chế tài chính khu vực và toàn cầu, như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên nhiều năm qua đã liên tục đưa ra kêu gọi cải cách hệ thống cho vay toàn cầu.

Trong tuần tới, các lãnh đạo 5 nước thành viên sẽ hội tụ tại Fortaleza, Brazil để đưa ra tuyên bố thành lập ngân hàng của nhóm. Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 7/6 đưa tin: Trung Quốc đã đưa ra đề xuất muốn được đóng góp phần vốn nhiều hơn các nước, để Bắc Kinh kiểm soát được các hoạt động của ngân hàng này và “đó có thể sẽ là điểm xung đột tiếp theo giữa Trung Quốc và Ấn Độ bên cạnh những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Himalaya”.

Theo dự kiến, ngân hàng phát triển BRICS có quy mô vốn 50 tỉ USD, mỗi thành viên góp 10 tỉ USD. Thế nhưng tờ Calculta Telegrapha (Ấn Độ) ngày 6/6 đưa tin: Trung Quốc đề xuất được tăng tỉ lệ đóng góp, đẩy quy mô vốn lên 100 tỉ USD và điều này đã vấp phải sự phản đối của New Delhi.

Địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng cũng là điều còn chưa được quyết định. Các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ thảo luận nội dung trên. New Delhi, Thượng Hải, Johannesburg và Moscow đang cạnh tranh nhau, thế nhưng Thượng Hải - Trung tâm tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, hiện nổi lên là ứng cử viên nặng ký nhất.

Khó khăn tiếp đến là chức Chủ tịch. Không giống như WB hay IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) những thiết chế mà chức chủ tịch lần lượt do người Mỹ và châu Âu đảm nhiệm, ngân hàng BRICS sẽ hoạt động theo cơ chế chủ tịch luân phiên. Chính quyền của Thủ tướng Modi đã lên tiếng Ấn Độ muốn đảm nhận cương vị đầu tiên của ngân hàng này.

Sáu tuần sau khi nhậm chức, ông Modi phát đi tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, qua việc cử các quan chức cấp cao như Tổng tham mưu trưởng Quân đội, tướng Bikram Singh, cùng Phó Tổng thống Hamid Ansari tới thăm nước láng giềng. Tờ Times of India nhận định: “Những kĩ năng ngoại giao của ông Modi nhằm bảo vệ lợi ích của Ấn Độ sẽ được dịp thử thách khi ông Tập Cận Bình muốn biến BRICS thành một tổ chức thúc đẩy nghị trình lợi ích toàn cầu của Trung Quốc”.

Bộ phận báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bất kì lời bình luận nào về những vấn đề trên.


Hoài Thanh (Theo SCMP)

Ngân hàng BRICS sắp thành hiện thực
Ngân hàng BRICS sắp thành hiện thực

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ diễn ra từ ngày 14-16/7 tại thủ đô Brasilia của Brazil nhằm thống nhất các điều khoản cuối cùng về việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN