Một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân, ở Anh, người ta vội vàng tra cứu Google xem EU là gì và rời EU thì chuyện gì sẽ xảy ra. Tỷ lệ người dùng ở Anh tra cứu những thông tin tương tự đã tăng vọt. Điều này cho thấy một điều ngược là nhiều cử tri Anh “đi thi” trước rồi mới “ôn thi” sau. Kết quả của quy trình ngược này khiến nhiều cử tri Anh tiếc nuối vô cùng, dẫn tới hình thành hẳn một phong trào Bregret mà thành viên là những cử tri trót bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU để rồi hối hận ngay sau đó.
Mỗi lá phiếu đều có sức nặng. |
Khảo sát của tờ “Mail on Sunday” cho thấy 7% cử tri bỏ phiếu ủng hộ Brexit, tương đương hơn 1 triệu người, đã hối hận vì lựa chọn của mình. Số cử tri này rất có thể đã khiến kết quả trưng cầu ý dân thay đổi nếu họ suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định. Trên mạng xã hội, có những câu chuyện về anh Adam nào đó ở Manchester nói với BBC rằng anh ta đã bỏ phiếu “rời đi” nhưng giờ “sốc và lo lắng” khi Vương quốc Anh rời EU thật. Rồi chuyện một cô sinh viên tên Mandy nói với kênh ITV rằng cô sẽ trở lại phòng bỏ phiếu và đánh dấu vào mục “ở lại” nếu có cơ hội lần hai.
Cử tri Anh cũng như cử tri nhiều quốc gia đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các phong trào dân túy vốn nổi lên nhờ tâm lý oán giận, bất mãn và thiếu thông tin. Brexit chính là điều xảy ra khi người dân không coi việc bỏ phiếu là một hành động mang trách nhiệm đạo đức. Phần lớn cử tri cho rằng bởi vì bỏ phiếu là quyền của họ nên họ có thể tự do bỏ phiếu cho bất kỳ cái gì họ muốn mà không suy nghĩ kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong thực tế, bỏ phiếu đúng là một quyền của người dân. Nhưng mỗi lá phiếu đều gắn liền với trách nhiệm của cử tri với vận mệnh của đất nước, nên không thể sử dụng quyền đó một cách tùy hứng. Cho dù có nhiều yếu tố chi phối suy nghĩ của cử tri nhưng cuối cùng, quyết định vẫn là thuộc về cử tri. Nếu họ bỏ phiếu không khôn ngoan, họ có thể đẩy đất nước hoặc cả thế giới vào suy thoái kinh tế, bế tắc chính trị. Nếu họ bỏ phiếu theo cảm tính, dựa trên nỗi bất mãn với giới lãnh đạo, họ sẽ khiến con cháu phải chịu hậu quả.
Bỏ phiếu không giống như chọn món ăn trong thực đơn. Nếu chọn phải món ăn dở, chỉ người chọn phải chịu hậu quả. Còn đối với những cuộc trưng cầu ý dân như Brexit, mỗi lá phiếu ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Khi đa số cử tri đánh dấu vào một lựa chọn sai lầm, tất cả sẽ bị ảnh hưởng, từ người nước ngoài sống ở nước Anh hay người Anh sống ở nước khác, kể cả những đứa trẻ chưa đủ tuổi bỏ phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, những cử tri bình thường ở Anh dường như không ý thức được sức nặng của lá phiếu. Có người ủng hộ Anh ở lại EU thậm chí đã yên tâm không đi bỏ phiếu vì nghĩ rằng thể nào điều đó cũng xảy ra mà không cần tới lá phiếu của mình. Có người lại nghĩ đằng nào Anh cũng ở lại EU nên bỏ phiếu ủng hộ Brexit, coi đó là một cách phản đối giới chức lãnh đạo Anh. Nhiều thập kỷ nghiên cứu về hành vi cử tri cho thấy phần lớn cử tri ở những nền dân chủ hiện đại nhất thế giới thiếu kiến thức, thông tin cơ bản về tình hình chính trị, khoa học xã hội - những thứ sẽ quyết định họ bỏ phiếu theo hướng nào. Như trường hợp Brexit, cử tri không biết EU là gì nhưng vẫn cứ bỏ phiếu rời EU. Hậu quả là thế giới có nhiều nhóm cử quyết định bỏ phiếu cho ai, cho điều gì mà chỉ dựa vào cảm xúc, không dựa vào lý trí sáng suốt.
Nhiều cử tri Anh đã đưa ra lời giải thích rằng một lá phiếu của họ thì không thể thay đổi được cục diện. Tuy nhiên, chính vì có quá nhiều cử tri nghĩ theo hướng đó nên cuộc trưng cầu ý dân ở Anh mới khiến cả người Anh và thế giới sốc như vậy.
Nếu như có trách nhiệm hơn với lá phiếu, cho dù họ có bất mãn với giới cầm quyền, với những cuộc khủng hoảng chung ở châu Âu tới đâu thì cử tri Anh lẽ ra đã nên tạm gác tâm trạng đó lại để lắng nghe các chuyên gia phân tích cái được và mất khi Anh rời EU, để rồi cân nhắc đưa ra quyết định sao cho sau một đêm tỉnh dậy, họ không phải rơi nước mắt vì hối hận. Nếu muốn bày tỏ sự bất mãn của mình, hãy thể hiện bằng thông điệp, bằng biểu tình. Còn khi lá phiếu mang sự tức giận, nó sẽ gây ảnh hưởng ở tầm khác. Mỗi lá phiếu đều có một trọng trách lớn, chỉ tiếc rằng không nhiều cử tri ý thức được điều này.
Dù thế nào thì Brexit cũng đã xảy ra và khó có thể đảo ngược. Đây là một bài học thấm thía cho cử tri Anh và là lời cảnh báo cho cử tri toàn thế giới, trong đó có cử tri Mỹ. Tháng 11 tới đây, cử tri Mỹ sẽ đứng trước một lựa chọn lịch sử để bầu ra người đứng đầu nước Mỹ trong bốn năm tới. Nếu Brexit đã xảy ra ở Anh thì chuyện một Donald Trump đắc cử tổng thống không phải là điều không thể xảy ra ở Mỹ. Do đó, điều quan trọng là cử tri cần cân nhắc ai có thể làm tốt công việc của tổng thống Mỹ để quyết định chứ không thể chỉ dựa vào sự yêu, sự ghét.