Với trên 73% số phiếu ủng hộ, tỷ lệ phiếu của nhân vật được cho là chưa có kinh nghiệm chính trị này vượt xa so với Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko tới khoảng 50%. Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã bắt đầu chúc mừng tổng thống đắc cử của Ukraine, chính Tổng thống P.Poroshenko cũng đã thừa nhận thất bại.
Trận "gió xoay chiều" khá bất ngờ trên chính trường Ukraine, song dường như những dấu hiệu của nó thì không phải mới xuất hiện. Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đã phải tiến hành qua hai vòng. Trong vòng một ngày 31/3, không ai trong tổng số 39 ứng cử viên giành trên 50% số phiếu và hai ứng cử viên cao phiếu nhất đã đối đầu trong vòng hai với tỷ lệ nghiêng về “tân binh” V.Zelensky. Ưu thế đó đã được ông Zelensky duy trì cho đến hết cuộc đua, bởi vậy không thể không ghi nhận đây là một chiến thắng hiếm có và khó tin, khi một ứng cử viên lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài chính trị, một diễn viên hài nổi tiếng với các tiểu phẩm chỉ trích lãnh đạo, đặc biệt là tổng thống, lại giành được sự tín nhiệm của cử tri, trong khi vị tổng thống được bầu lên trong 5 năm qua và trung thành với những đường lối được cho là do nhân dân đưa ra trong sự kiện gọi là "cuộc cách mạng phẩm giá” năm 2014, lại phải rời chức vụ và vị trí “bảo đảm” cho đường lối đó.
Điều đó cho thấy người dân Ukraine thực sự đã thất vọng với lựa chọn 5 năm trước của mình. Sau 5 năm tuyên bố thay đổi đường lối đối ngoại, hoàn toàn “cắt đứt” với Nga để hội nhập châu Âu, người dân chưa có gì nhiều để có thể hài lòng.
Vấn nạn tham nhũng, vốn là lý do cáo buộc và dẫn tới "cuộc lật đổ" vị tổng thống tiền nhiệm của ông Poroshenko hồi năm 2014 thì nay vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2017, Ukraine xếp hạng 130/180 về Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu. Cuộc xung đột ở miền Đông gây chia rẽ đất nước, sau 5 năm vẫn vang tiếng súng. Thương mại thiệt hại nặng nề do mất quan hệ với Nga. Ước mơ nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) chỉ dừng ở những lời hứa. Sau 5 năm cầm quyền, những gì Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko có trong tay là một đất nước kiệt quệ vì suy thoái kinh tế, chia rẽ và xung đột triền miên, tương lai khó đoán định. Những cam kết chính khi ông tranh cử tổng thống 5 năm trước, được lặp lại trong lần tái tranh cử này, càng khiến cử tri cho rằng đây là nhân vật "chỉ nói mà không có khả năng thực hiện". Thực tế là người dân đang mất lòng tin vào hệ thống chính trị với những chính trị gia theo kiểu truyền thống.
Có thể nói chính sự thất vọng ấy của người dân đã đưa ông Zelensky, 41 tuổi đến chiến thắng. Người dân cần một sự thay đổi, cần một gương mặt mới, và lãnh đạo đảng "Người phục vụ nhân dân", cũng là tên chương trình truyền hình châm biếm mà ông đảm nhiệm vai chính, đáp ứng nhu cầu đó, bất chấp ông không phải là chính trị gia và cũng không đưa ra một chương trình hành động cụ thể nào. Tâm lý mệt mỏi, chán nản và bất bình của người dân Ukraine đối với những cam kết không được thực hiện của đương kim Tổng thống Poroshenko, đã khiến cử tri tạm đặt lòng tin vào một danh hài vốn nổi tiếng khi đóng vai một tổng thống trên truyền hình.
Trên thực tế, về định hướng, căn bản ông Zelensky không khác biệt so với đối thủ Poroshenko. Hội nhập châu Âu đã là mục tiêu không thể đảo ngược. Song ngay trong bài phát biểu đầu tiên sau khi có kết quả thăm dò sơ bộ, ông đã đưa ra một số quan điểm đáng chú ý. Nổi bật nhất, ông Zelensky mong muốn đàm phán với Nga trong vấn đề lớn nhất hiện nay của Ukraine là khủng hoảng ở miền Đông. Cho dù không tuyên bố trực tiếp, song khi khẳng định tiếp tục định dạng Minsk về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine (mà Nga làm trung gian có trọng lượng), trả lại tự do cho các tù binh chiến tranh, đàm phán với Nga là điều ông muốn nói tới. Ông cũng nhen lên hy vọng hòa bình khi tuyên bố sẽ dùng “chiến tranh thông tin mạnh mẽ” chứ không phải chiến dịch quân sự để kết thúc cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông.
Tuy nhiên, khi thực sự đảm nhận trách nhiệm chèo lái "con thuyền" đất nước với bộn bề các vấn đề như trên, hiệu ứng “gương mặt mới” sẽ qua đi, ông Zelensky phải trả lời nhân dân bằng hành động, thì hàng loạt khó khăn cũng nổi lên. Khó khăn thứ nhất mà ông sẽ phải giải quyết rất khẩn cấp, đó là xây dựng lực lượng chính trị "Người phục vụ nhân dân” của mình, có tuổi đời chỉ tính từ ngày bầu cử, thành một đảng chính trị đúng nghĩa. Vào tháng 9 tới, Ukraine sẽ bầu cử quốc hội và ông Zelensky sẽ phải gấp rút giải bài toán đó hoặc sẽ phải liên minh với các lực lượng chính trị khác như đảng "Đất Mẹ" (Batkivshchyna) của bà Yulia Timoshenko và đảng “Đoàn kết” của Tổng thống đương nhiệm P.Poroshenko. Điều đó cũng có nghĩa ông Zelensky mất đi quyền tự chủ của mình.
Thứ hai, dự định “sẵn sàng đàm phán với Nga” của ông sẽ rất khó thực hiện do tâm lý thù địch tổng lực trong Quốc hội Ukraine chống lại Nga. Thứ ba, dù thất bại, song đối thủ Poroshenko sẽ không rời vũ đài chính trị, ông này vốn có đội ngũ ủng hộ là những nhân vật rất có ảnh hưởng trong xã hội, ông có kênh truyền hình riêng để đảm bảo thực hiện chính sách thông tin của mình. Do đó, dù đã có người chiến thắng, song đấu tranh chính trị vẫn sẽ tiếp diễn tại Ukraine.
Khó khăn rất nhiều, song ông Zelensky đã có điểm xuất phát thuận lợi. Khác với người tiền nhiệm, ông đã bước đầu xóa mờ được những bất đồng giữa hai miền Đông và Tây Ukraine, không để vấn đề ngôn ngữ tiếp tục chia rẽ đất nước sâu hơn, ưu tiên phát triển kinh tế trước rồi mới đến vấn đề tư tưởng hệ và nhờ đó giành được “lòng tin tạm ứng” của cử tri cả hai miền.
Người dân Ukraine yêu cầu thay đổi và họ đã thực hiện quyền yêu cầu đó của mình trong cuộc bầu cử. Giờ đây đến lượt lãnh đạo mới của đất nước phải hiểu và thực hiện những hy vọng của cử tri trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại, để đưa đất nước có diện tích lớn nhất châu Âu (không kể Nga) này bước vào giai đoạn trọng đại trong lịch sử của mình. Với "lòng tin tạm ứng" mà nhân dân Ukraine đã trao gửi, ông Zelensky, người được cho có vốn liếng chính trị chỉ là con số không, có quá nhiều thách thức trước mắt phải vượt qua.