Bầu cử Hạ viện Séc: Dân túy và cực hữu lên ngôi

Cuộc bầu cử Hạ viện Séc ngày 20-21/10 đã trôi qua nhưng “dư chấn” đối với chính trường Séc, khu vực và châu Âu vẫn còn rất lớn. “Địa chấn” hay “bản đồ chính trị mới” là các cụm từ mà báo chí Séc, khu vực và nước ngoài dùng để miêu tả về cuộc bầu cử Hạ viện lần này.

Kết quả bầu cử đã cho thấy sự thay đổi tương quan lực lượng lớn trên chính trường Séc. Lần đầu tiên, một phong trào dân túy giành chiến thắng cách biệt trong bầu cử Séc. ANO, phong trào chính trị với quan điểm phản đối các đảng phái truyền thống, được thành lập năm 2011 đã giành được gần 30% số phiếu ủng hộ, gần gấp 3 lần so với lực lượng đứng thứ hai là Đảng Dân chủ Công dân (ODS).

Ông Andrej Babis. Nguồn: Euobserve

Lãnh đạo ANO, ông Andrej Babis,thường được ví như là “Mr. Trump” của CH Séc với xuất phát điểm hoàn toàn không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, từng sở hữu nhiều tập đoàn truyền thông lớn và có khối gia sản kếch xù cùng với quan điểm phản đối người nhập cư. Chiến thắng của ANO không bất ngờ bởi đây là kết quả mà hàng loạt các cuộc thăm dò dư luận trước đó đã dự đoán.

Điều gây ngạc nhiên là phong trào ANO vẫn giành được chiến thắng ấn tượng trong bối cảnh thủ lĩnh Babis- cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ đương nhiệm - đang vướng vào một loạt các vụ bê bối, trong đó có các cáo buộc gian lận về tài chính. Ở đất nước mà từng có các chính trị gia, đảng phái chính trị lụn bại vì vướng vào các bê bối tương tự, việc ông Babis và phong trào ANO vẫn duy trì được vị thế hàng đầu là điều mà giới phân tích chính trị nước ngoài khó lý giải.

Giới quan sát cũng tỏ ra ngạc nhiên với việc ANO, một phong trào chính trị “phi truyền thống”, vượt qua một loạt các đảng phái lớn để khẳng định vị thế số một trên chính trường Séc trong một khoảng thời gian không phải là dài.

Ngoài ANO, kỳ bầu cử lần này còn chứng kiến chiến thắng ấn tượng của các đảng phái non trẻ khác là Đảng Cướp biển (CPS) và phong trào Tự do và Dân chủ trực tiếp (SPD) theo đường lối cực hữu của chính trị gia gốc Nhật Bản Tomio Okamura. Từ việc không có chân trong Hạ viện khóa trước, CPS và SPD đã bất ngờ vươn lên trở thành các lực lượng chính trị lớn thứ ba và thứ tư trong Hạ viện Séc khóa mới.

Một số chuyên gia phân tích chính trị thậm chí còn cho rằng CPS và SPD mới thật sự là những người chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Sự thất vọng, mất niềm tin vào các đảng phái truyền thống sau các vụ bê bối trong quá khứ và mong muốn thay đổi có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cử tri Séc lựa chọn các lực lượng đại diện mới, dù đó là các đảng phái theo quan điểm dân túy như ANO, ôn hòa như CPS hay cực hữu như SPD.

Kết quả bầu cử Hạ viện Séc cũng phần nào phản ánh xu hướng chính trị nổi lên ở khu vực Trung và Đông Âu gần đây. Rõ ràng, việc các lực lượng cực hữu như đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD), đảng Tự do (FPO) hay đảng Nhân dân – Slovakia của chúng ta (L’SNS) vươn lên mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử ở Đức, Áo, Slovakia đã tác động tới sự lựa chọn của người dân Séc. Việc lần đầu tiên đảng cực hữu SPD tham gia Hạ viện dự báo những diễn biến không êm ả trong Hạ viện cũng như trên chính trường Séc trong thời gian tới.

Kỳ bầu cử lần này cũng chứng kiến sự thất bại nặng nề của một số đảng phái truyền thống Séc nhất là Đảng Dân chủ Công dân Séc (CSSD) của đương kim thủ tướng Bohuslav Sobotka và Đảng Cộng sản Séc-Moravia (KSCM). Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy CSSD và KSCM có thể sẽ duy trì vị thế của các lực lượng chính trị lớn thứ hai, thứ ba trong Hạ viện.

Tuy nhiện, thực tế các đảng này đã mất phần lớn số ghế so với cuộc bầu cử Hạ viện năm 2013. Số nghị sỹ trong Hạ viện khóa mới của CSSD, KSCM sẽ chỉ còn 15 người mỗi đảng, giảm 35 và 18 ghế so với năm 2013. Có lẽ, CSSD, KSCM và một số đảng phái truyền thống khác ở Séc sẽ cần một cuộc cải cách mạnh mẽ nhằm khôi phục và lấy lại vị thế trên chính trường trong thời gian tới.

Cuộc chạy đua, đàm phán và mặc cả giữa các đảng phái trên chính trường Séc đã bắt đầu. Đại diện của ANO tuyên bố sẵn sàng đàm phán với tất cả các đảng phái có ghế trong Hạ viện để thành lập chính phủ liên minh. Các kịch bản về chính phủ liên minh hai đảng ANO - ODS hay đa đảng giữa ANO và một số đảng phái khác đã được đề cập tới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đối tác trong liên minh cầm quyền của ANO trong thời gian tới sẽ là đảng phái nào. ANO cùng các đảng phái khác sẽ có 30 ngày để hoàn tất cuộc “mặc cả”  này.

Mặc dù lãnh đạo một số đảng phái đã tuyên bố về việc sẽ không tham gia chính phủ liên minh với ANO hoặc chỉ tham gia với điều kiện ông Babis không đảm nhiệm vai trò thủ tướng nhưng với chiến thắng cách biệt cùng sự ủng hộ của đương kim Tổng thống Milos Zeman và ảnh hưởng chi phối của ông Babis đối với ANO, cựu Bộ trưởng Tài chính này có lợi thế không nhỏ trên bàn đàm phán.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị Séc nhận định, ông Babis mới chính là nhân tố trung tâm, chi phối cuộc chơi trong đàm phán lập chính phủ liên minh với các đảng phái khác trong Hạ viện Séc. Dù đối tác của ANO có là đảng phái nào thì việc một phong trào chính trị “phi truyền thống” với thủ lĩnh từng tuyên bố sẽ điều hành đất nước như điều hành một doanh nghiệp cầm quyền thì chính phủ mới ở Séc chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác so với các giai đoạn trước.

Xét trên bình diện khu vực, viễn cảnh về một nước Séc do lực lượng dân túy lãnh đạo với các tuyên bố hoài nghi châu Âu, phản đối người nhập cư, tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực có chung quan điểm như Hungary, Ba Lan sẽ là vấn đề không nhỏ đối với EU, nhất là trong bối cảnh các nước lớn Đức và Pháp đang đẩy mạnh các nỗ lực cải cách nội khối nhằm giải quyết các thách thức lớn hiện nay.

Nguyễn Hồng Tâm (tổng hợp)
Andrej Babiš - Nhân vật gây chia rẽ chính trường Séc
Andrej Babiš - Nhân vật gây chia rẽ chính trường Séc

Đài phát thanh Séc Radio Praha vừa đăng bài bình luận của phóng viên Chris Johnstone với tiêu đề “Andrej Babiš: Nhân vật trung tâm gây chia rẽ chính trường Séc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN