Bầu cử, COVID-19, khôi phục kinh tế: Trọng trách đặt trên vai Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản

Chiều 4/10 (giờ địa phương), hai viện của Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Fumio Kishida, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng thứ 100 ở nước này. Dư luận đặt ra nhiều kỳ vọng với tân thủ tướng trong việc giải quyết những thách thức khó khăn mà đất nước đang đối mặt.

Một ngày sau khi được bầu làm thủ tướng và công bố thành phần nội các, ngày 5/10, ông Fumio Kishida đã bắt đầu công việc trên cương vị mới với nhiều kế hoạch ấp ủ và thách thức cần giải quyết.

Chính sách của người xây dựng đồng thuận

Chú thích ảnh
Các thành viên Hạ viện chúc mừng ông Fumio Kishi được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, khi vận động tranh cử vị trí lãnh đạo đảng LDP, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản đã định hình phong cách lãnh đạo của mình khi cho rằng xây dựng đồng thuận từ dưới lên trong chính trị cũng quan trọng không kém cách tiếp cận xây dựng đồng thuận từ trên xuống. 

Về kinh tế, ông Kishida khẳng định trụ cột chính của chính sách kinh tế sẽ là củng cố tài chính. Năm 2018, ông đã tỏ ra hoài nghi về chính sách siêu lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), cho rằng kích thích kinh tế không thể kéo dài quá lâu. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, ông Kishida đã thay đổi quan điểm, khẳng định BOJ phải duy trì gói kích thích khổng lồ. Ông đã đề xuất một gói chi tiêu trị giá hơn 30.000 tỷ yen và cho biết trong khoảng một thập kỷ tới, Nhật Bản có thể sẽ không tăng thuế tiêu thụ từ mức 10% hiện nay. Ông nói: “Mặc dù chúng ta sẽ không tăng thuế ngay lập tức để bù đắp thâm hụt của Nhật Bản, nhưng cải cách tài chính là phương hướng mà cuối cùng chúng ta cần hướng tới”.

Trái với trọng tâm của chính sách mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng áp dụng để tăng lợi nhuận cho các công ty, ông Kishida ủng hộ “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới”, chuyển từ các chính sách dựa trên chủ nghĩa tân tự do sang các chính sách ưu tiên phân phối công bằng hơn. Ông cho rằng cần phải phân phối tài sản nhiều hơn tới các hộ gia đình, tăng thu nhập cho tầng lớp trung lưu, đồng thời coi việc rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các nhóm lao động là một ưu tiên.

Về mặt ngoại giao, an ninh, tân Thủ tướng Kishida nhấn mạnh hợp tác bền chặt với Mỹ và các nước có cùng đường lối đối ngoại. Ngày 5/10, phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức, ông Kishida cho biết ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước và hợp tác để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở. Trong quan điểm của ông Kishida, liên minh Nhật-Mỹ chính là một trụ cột an ninh của Nhật Bản.

Về quan hệ với Triều Tiên, tại cuộc họp báo đầu tiên sau nhậm chức, ông Kishida bày tỏ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết. Nhà lãnh đạo 64 tuổi này đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. 

Về chính sách đối phó COVID-19, tân Thủ tướng Kishida có kế hoạch trao cho một cơ quan mới của chính phủ vai trò chỉ huy trong phòng chống COVID-19 thay vì phân tán như hiện nay, theo mô hình một kiểu tháp chỉ huy. Ông Kishida coi phát triển thuốc điều trị và tiêm chủng vaccine là chìa khóa để trở lại cuộc sống bình thường. Ông nói: “Chúng ta đang nỗ lực phát triển thuốc uống và sẽ phân phối rộng rãi vào cuối năm nay. Chính phủ cần ủng hộ những nỗ lực này. Tôi muốn chúng ta tiến về phía trước và đạt được mục tiêu đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại mức gần bình thường vào đầu năm tới”.

Đối mặt một loạt thách thức phía trước

Chú thích ảnh
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) chủ trì cuộc họp nội các tại Tokyo ngày 5/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Để thực hiện các chính sách trong mọi lĩnh lực, tân Thủ tướng Kishida phải vượt qua những trở ngại không hề nhỏ.

Theo tờ Asahi Shimbun, một “bài kiểm tra” quan trọng đầu tiên của ông Kishida sẽ là cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trong đó, ông sẽ cần thể hiện hình ảnh mình là một người xây dựng đồng thuận ôn hòa. 

Cuộc bầu cử Hạ viện sẽ là một cuộc bầu cử rất khó khăn đối với LDP khi 4 đảng đối lập đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền. Điều đáng ngại là các ứng cử viên do LDP hậu thuẫn đã thất bại trong ba cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào giữa năm nay và một số cuộc bầu cử quan trọng gần đây ở địa phương. Hiện nay, LDP giữ 275 trong tổng số 465 ghế tại Hạ viện Nhật Bản. Nếu LDP để mất thế đa số tại cơ quan lập pháp này, chặng đường sau đó của ông Kishida sẽ vô cùng khó khăn.

Kiểm soát dịch bệnh là một thử thách không hề dễ dàng với chính quyền mới Nhật Bản. Mặc dù số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm đều và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, nhưng khi Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vào ngày 30/9 vừa rồi cũng như bỏ các biện pháp phòng chống dịch trước giai đoạn đó, các hoạt động kinh tế-xã hội chắc chắn sẽ gia tăng. Chính phủ Nhật Bản rất có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ sáu khi mùa đông tới.

Dưới thời chính phủ trước, ba thành viên nội các là bộ trưởng y tế, bộ trưởng phụ trách khôi phục kinh tế và chính sách đối phó dịch bệnh và bộ trưởng phụ trách chiến dịch tiêm chủng nhận trách nhiệm chính trong đối phó với COVID-19. Một số nghị sĩ LDP đã chỉ trích hệ thống này là “lắm thầy thối ma” và kêu gọi tích hợp các chức năng vào một cơ quan duy nhất trong chính phủ mới. Tuy nhiên, đến cuối cùng, sự phân chia vai trò giữa ba bộ trưởng này vẫn như cũ. Do đó, điều phối chính sách giữa ba người sẽ là phép thử năng lực lãnh đạo của ông Kishida.

Vì diễn biến COVID-19 tại Nhật Bản vẫn phức tạp và khó lường, nhiệm vụ vực dậy kinh tế sẽ không dễ dàng. Do ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng âm lần đầu tiên trong tài khóa 2020 cho dù phục hồi mạnh trong giai đoạn từ tháng 7-12/2020. Trong quý 1 của tài khóa 2021 (tháng 4-6/2021), nước này bất ngờ đạt tốc độ tăng trưởng dương 1,3%. Tuy nhiên, nhiều khả năng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ lại tăng trưởng âm trong giai đoạn tháng 7-9/2021 do ảnh hưởng của việc ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Ngoài COVID-19 và kinh tế, trong trung hạn, ông Kishida còn phải đối mặt với một loạt "bài toán" hóc búa khác như già hóa dân số, hệ thống an sinh xã hội, nợ công vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà hai người tiền nhiệm của ông Kishida chưa thể giải quyết.

Đó là còn chưa kể tới một loạt khó khăn trong chính sách đối ngoại như cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Ông Kishida cho rằng Nhật Bản là "tuyến đầu" của quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ với Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga cũng sẽ khiến ông Kishida phải lưu tâm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, có thể thấy Thủ tướng Kishida nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây chính là phép thử quan trọng đối với khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia này. Dư luận hy vọng ông Kishida có thể vượt qua các thách thức đó để giúp Nhật Bản không rơi vào vòng xoáy thay đổi lãnh đạo, đồng thời nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Thùy Dương/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tỷ lệ ủng hộ Nội các mới của Nhật Bản đạt 55%
Tỷ lệ ủng hộ Nội các mới của Nhật Bản đạt 55%

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên tới 55%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ phản đối (23,7%).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN