Báo Trung Quốc: Cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu

Tờ "Nhân dân Nhật báo" (bản hải ngoại) của Trung Quốc ngày 17/3 đăng bài viết với nhan đề trên, trong đó cho rằng xung đột tại khu vực Crimea, bề ngoài là hậu quả của sự chia rẽ chính trị tại Ukraine, nhưng bản chất lại là kết quả của sự giằng co giữa hai phe lớn Đông và Tây tại khu vực Biển Đen.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã không tích cực thúc đẩy tái xây dựng trật tự chính trị, quân sự trên thế giới, mà ra sức mở rộng, tranh giành các khu vực, địa bàn trên thế giới. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu đã vươn sang các quốc gia Đông Âu, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng không ngừng tăng cường mở rộng sang phía Đông, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh chiến lược và lợi ích phát triển của Nga.

Những người ủng hộ Nga tuần hành tại Crimea ngày 6/3. Ảnh: RIA Novosti


Sở dĩ trong những năm gần đây, Nga luôn áp dụng thái độ cứng rắn với phương Tây, một mặt vì Nga không thể chấp nhận việc NATO không ngừng thu hẹp không gian và bao vây lợi ích chiến lược tại sân sau của mình, mặt khác Tổng thống Putin có tham vọng khôi phục địa vị nước lớn của Nga trước đây.

Nga muốn thể hiện sức mạnh của mình để cho Mỹ và NATO nhận thức được rằng nước này sẽ không chịu khuất phục trước bất cứ áp lực nào từ bên ngoài. Nếu nói cuộc chiến tranh của Nga với Gruzia năm 2008 chẳng qua chỉ là dùng “dao trâu mổ gà”, thì cuộc xung đột chính trị tại Ukraine và đối đầu quân sự tại Crimea lại là sự biểu hiện trực tiếp nhất cho thấy Nga đã và đang sẵn sàng chuẩn bị tâm lý đối kháng với các quốc gia phương Tây.

Bài viết cho rằng hiện nay Mỹ đang phải trả giá cho các hành vi liều lĩnh của mình trước đây. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ cần phải tranh thủ địa vị nước lớn của mình, kêu gọi các quốc gia khác cùng nhau ký kết một điều ước bảo vệ trật tự hòa bình thế giới. Nhưng đáng tiếc, sự chèn ép của Mỹ đã khiến một số nước ngày càng xa rời Mỹ.

Giới thanh niên tại các quốc gia Arập Trung Đông được sự hỗ trợ của Mỹ đã tham gia cuộc chiến tranh Afghanistan chống lại Liên Xô. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, giới thanh niên được thử thách qua chiến tranh này đã quay ngược nòng súng, bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ.

Ngoài ra, để đối phó với Liên Xô, Mỹ cũng sẵn sàng lợi dụng các tổ chức khủng bố trên thế giới. Sau khi phát triển lớn mạnh, để bảo vệ cái gọi là giá trị quan tôn giáo của mình, các tổ chức khủng bố trên quay sang coi Mỹ là quốc gia thù địch. Trong khi cuộc chiến chống khủng bố kéo dài chưa có hồi kết, Mỹ lại bắt đầu cổ súy cho các cuộc cách mạng sắc màu nổi lên ở nhiều khu vực trên thế giới với toan tính thông qua lật đổ chính quyền các nước để đạt được mục đích là gây dựng các thế lực chính trị thân Mỹ.

Ukraine là một thí dụ hết sức điển hình. Sau khi Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ của Ukraine đều tranh thủ ưu thế địa lý của mình để lợi dụng cả Nga và phương Tây. Nhưng do tình trạng tham nhũng chính trị, kinh tế trong nước tăng trưởng trì trệ, Nga đã lợi dụng mâu thuẫn chính trị nội bộ của Ukraine và sự phụ thuộc về kinh tế để ép các nhà lãnh đạo của Ukraine phải duy trì quan hệ mật thiết với Nga.

Trong khi đó, nhằm khống chế Ukraine, các quốc gia phương Tây do Mỹ cầm đầu cũng đã đưa ra nhiều cam kết màu hồng đối với các nhà lãnh đạo Ukraine. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Ukraine vừa hy vọng có thể giành được lợi ích kinh tế nhiều hơn từ Nga, đồng thời cũng hy vọng giành được nhiều lợi ích chính trị từ Liên minh châu Âu (EU). Từ đó, các nhà lãnh đạo Ukraine đã áp dụng sách lược chủ nghĩa cơ hội, khiến cho tình hình chính trị trong nước của Ukraine thay đổi liên tục.

Tình trạng tham nhũng chính trị và tiền hậu bất nhất của các nhà lãnh đạo Ukraine đã khiến người dân cảm thấy phẫn nộ. Họ vừa không nhìn thấy hy vọng về tương lai của đất nước, vừa không nhìn thấy tương lai của chính mình. Họ hy vọng hành vi phản kháng của mình sẽ làm thay đổi cục diện chính trị tại Ukraine. Các quốc gia phương Tây đã nhanh chóng lợi dụng đòi hỏi chính trị của người dân Ukraine, biến nước này thành một đại bản doanh biểu tình chính trị.

Đứng trước cục diện chính trị trong nước của Ukraine, Nga đã không áp dụng hành động tùy tiện. Đợi đến khi Tổng thống Viktor Yanukovych buộc phải lưu vong sang Nga, Tổng thống Putin mới quyết định áp dụng các hành động quyết đoán tại khu vực Crimea, thực hiện cảnh cáo cứng rắn đối với chính quyền lâm thời của Ukraine và các quốc gia phương Tây.

Bài viết kết luận, một loạt động thái gần đây xung quanh vấn đề tại Crimea của Ukraine cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trên thế giới sắp bắt đầu.


TTK
Khủng hoảng Crimea tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ thế nào?
Khủng hoảng Crimea tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ thế nào?

Làm thế nào bế tắc ở Crimea có thể chia rẽ NATO và hủy hoại chính sách xoay trục tới châu Á của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN